Theo số liệu khảo sát của Tổng cục Thống kê, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, có tới 2,2 triệu lao động đã trở về quê trong năm 2021.
Nhận định về việc thiếu hụt lao động sau tết, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá, đến thời điểm này, có thể dự báo, trên địa bàn Hà Nội sẽ không thiếu hụt lao động trong thời gian tới hoặc nếu có thì không đáng kể.
“Chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch để đáp ứng nhu cầu phục hồi sản xuất, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất các phiên giao dịch việc làm, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động. Khi dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát sẽ đề xuất những phiên chuyên đề gắn với một số lĩnh vực, ngành nghề đã bị ảnh hưởng trong thời gian dịch bệnh dẫn đến nhiều lao động, kể cả nhóm lao động tự do, lao động khu vực chính thức; những nhóm ngành nghề thuộc lĩnh vực không thiết yếu mà bị ảnh hưởng nặng nề, kể cả một số các doanh nghiệp tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng, các doanh nghiệp có những đơn hàng mới có thể tăng hơn so với trước”, ông Vũ Quang Thành cho biết.
Tại Bắc Giang, theo ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang, 2 năm trở lại đây, trên địa bàn của tỉnh ít có trường hợp người lao động ồ ạt nghỉ việc sau Tết Nguyên đán. Năm nay, có thêm lực lượng lao động đi làm việc khu vực phía Nam trở về và có thể họ sẽ xin ở lại làm việc nếu công việc phù hợp. Sau Tết, một số doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, nên sẽ thiếu lao động xây dựng, hoàn thiện công trình.
“Những doanh nghiệp cần tuyển lao động sau Tết chỉ có những doanh nghiệp đầu tư mới vào các khu công nghiệp mới của tỉnh Bắc Giang. Trên tinh thần đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các huyện và thành phố trong tỉnh nắm bắt nhu cầu lao động hiện nay đang có nhu cầu tìm việc. Chúng tôi cũng có văn bản gửi cho các huyện, thành phố, đề nghị nắm bắt số lao động dịp Tết này ở các tỉnh về quê để Trung tâm có thể kết nối ngay nhu cầu công việc của người lao động”, ông Nguyễn Văn Huế cho hay.
Theo khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tại các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm, dự kiến trong năm 2022, doanh nghiệp sẽ có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700.000 người. Sự thiếu hụt lao động chưa xảy ra vào đầu năm mà có thể tăng vào thời gian cuối quý 1 và quý 2/2022, khi các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại với công suất cao nhất thì, nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, nhân lực sau Tết đáp ứng được 85% nhu cầu doanh nghiệp: “Tôi cho rằng, không đến mức thiếu trầm trọng nguồn lao động, nhưng cái thiếu hiện nay chính là nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, các doanh nghiệp vừa tiếp nhận, vừa đào tạo. Những ngành nghề có thể sử dụng được ngay, đòi hỏi công nghệ thấp thì có thể có lực lượng ngay, nhưng những ngành nghề đòi hỏi công nghệ cao thì phải có thời gian phục hồi. Do đó, các doanh nghiệp hiện đang phối hợp rất chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các Trung tâm hướng nghiệp để thực thi nhiệm vụ này. Để đảm bảo được lực lượng chất lượng cao, tôi nghĩ rằng, trong khoảng cuối quý 1, đầu quý 2, chúng ta cơ bản sẽ trở lại đúng như chúng ta mong muốn”./.