Huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Để phòng chống dịch Covid-19, tuần học đầu tiên của năm học mới, các trường học tại huyện miền núi này không tổ chức dạy học trực tiếp và trực tuyến.
Các trường áp dụng dạy học linh hoạt, giáo viên gửi tài liệu cho học sinh nghiên cứu và tự giải các bài tập. Từ sau ngày khai giảng năm học mới, em Nguyễn Thị Mỹ Duyên, học sinh lớp 7B, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ea Trol, huyện Sông Hinh không đến trường mà được giáo viên hướng dẫn học ở nhà.
Mỹ Duyên cho biết: “Cô giáo giao bài tập ở trên ứng dụng Zalo, rồi em chép lại những câu hỏi trong vở, sau đó tự tìm hiểu trong sách. Trong quá trình học, cô giáo cũng có hướng dẫn thêm. Em cũng mong hết dịch để các bạn đi học”.
Năm học 2021-2022, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ea Trol, huyện Sông Hinh có hơn 650 học sinh, trong đó hơn 200 học sinh bậc trung học cơ sở. Đa số các em là người đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn nên không có điều kiện mua sắm điện thoại thông minh hoặc laptop để học trực tuyến.
Thầy giáo Lê Hoài Lâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Ea Trol cho biết, nhà trường chỉ tổ chức dạy học linh hoạt cho học sinh bậc trung học cơ sở. Cụ thể, giáo viên chủ nhiệm các lớp sẽ phân lớp học thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là các em học sinh có kết nối ứng dụng zalo, giáo viên sẽ đưa nội dung bài học và bài tập lên nhóm và hướng dẫn các em tự học.
Nhóm thứ 2 là các em không sử dụng ứng dụng zalo, đối với nhóm này giáo viên chủ nhiệm sẽ đến tận nhà học sinh để đưa tài liệu và hướng dẫn cho các em tự học. Theo thầy Lê Hoài Lâm, nhiều em khối lớp 2 và khối lớp 6 tại trường đang thiếu sách giáo khoa do dịch bệnh kéo dài:
Thầy Lê Hoài Lâm cho biết: “Trong thời gian qua, xã cũng là một điểm nóng về dịch bệnh cho nên vấn đề là sách của các em đặc biệt là ở khối lớp 6 và khối lớp 2 chương trình mới thì đang bị thiếu. Bởi thứ nhất là nguồn cung, từ xã Ea Trol phải ra tới thị trấn Hai Riêng. Thứ hai là điều kiện kinh tế của các em còn khó khăn”.
Năm học này toàn huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên có hơn 11.000 học sinh, trong đó hơn 5.600 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Với nguồn lực và trang thiết bị của địa phương thì việc dạy học trực tuyến không khả thi. Để duy trì việc dạy học cho học sinh trong điều kiện giãn cách xã hội, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Hinh yêu cầu các trường chỉ đạo giáo viên phải bám sát, nắm rõ điều kiện của từng học sinh để có phương án dạy học phù hợp.
Ông Nguyễn Thanh Lam, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Hinh cho biết, đến ngày 12/9 tới, nếu huyện Sông Hinh được nới lỏng giãn cách xã hội, ngành giáo dục huyện này sẽ yêu cầu các trường chia học sinh thành các nhóm, ngồi giãn cách để dạy học trực tiếp cho các em.
Ông Nguyễn Thanh Lam cho biết: “Tình hình dịch Covid-19 kéo dài, các trường thực hiện theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên. Nếu là thực hiện theo phương án thực hiện Chỉ thị 16 thì tất cả các em ở nhà và nhà trường thực hiện dạy theo cách linh hoạt, gửi bài qua facebook, zalo và hộp thư của trường, photo, in bài theo chủ đề rồi gửi đến các em để các em tham gia học tập với tình thần các em không đến trường nhưng không thể dừng học được”.
Từ đầu năm học này, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên yêu cầu các trường xây dựng kế dạy học linh hoạt phù hợp với điều kiện của các trường, trong đó có cả hình thức dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, khi bước vào năm học mới, các trường ở các huyện miền núi như: Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh gặp rất nhiều trở ngại trong việc dạy học linh hoạt. Đồng bào ở nhiều nơi miền núi không có điều kiện cho con em tham gia học trực tuyến.
Ông Ngô Ngọc Thư, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên cho biết, dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Phú Yên tuy đã giảm, nhưng vẫn còn nguy cơ bùng phát trở lại nên việc dạy và học ở nhiều địa phương khá lúng túng.
Ông Thư nói: “Chúng tôi tìm mọi cách tiếp cận những đối tượng khó không có điều kiện để tiếp xúc với giáo viên qua internet, để bổ sung kiến thức cho học sinh. Rà soát lại chương trình thật kỹ để làm sao cho học sinh ở các khu vực miền núi tiếp cận được nội dung chương trình một cách đầy đủ như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định”./.