Dự án chống ngập do triều cường khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – giai đoạn 1 được kỳ vọng sẽ giúp kiểm soát ngập do triều trường tại các quận 1, 4, 7, 8 và hai huyện Nhà Bè, Bình Chánh...với khoảng 6,5 triệu người dân bị ảnh hưởng. Dự kiến sẽ hoàn thành vào năm tháng 6/2019.

du_an_duoc_ky_vong_se_giam_ngap_cho_tp_jych.jpg
Những ngày qua, triều cường kết hợp với mưa lớn liên tục khiến nhiều con đường ở quận Bình Thạnh, quận 7, Nhà Bè… bị ngập sâu khiến cho cuộc sống sinh hoạt của người dân hết sức khó khăn.

Nhưng hiện nay, dự án có giá trị 10 ngàn tỷ này lại đang gặp những sự cố và đã ngừng thi công từ nhiều tháng qua. Trong khi đó, người dân TP HCM lại phải đang ngày ngày phải đối mặt với những khó khăn do triều cường.

Những ngày qua, triều cường kết hợp với mưa lớn liên tục khiến nhiều con đường ở quận Bình Thạnh, quận 7, Nhà Bè… bị ngập sâu khiến cho cuộc sống sinh hoạt của người dân hết sức khó khăn.

Người dân ở những khu vực trên cho biết, họ đang mong ngóng từng ngày các công trình chống ngập, đặc biệt là dự án chống ngập 10 ngàn tỷ đồng mà Tập đoàn Trung Nam đang triển khai. Vì thế thông tin dự án này bị tạm ngưng thi công khiến cho nhiều người bức xúc.

Dự án chống ngập cho TP HCM có giá trị 10 ngàn tỷ này lại đang gặp những sự cố và đã ngừng thi công từ nhiều tháng qua.

“Nhà cứ cao, đường cứ cao mà ngập cứ ngập. Giờ người dân cũng chỉ mong công trình đó suôn sẻ rồi bà con khỏi phải sống trong ngập lũ, ngán quá. Ở đây hai mấy năm sợ lắm rồi...”, bà Trần Thị Hiền, ngụ quận Bình Thạnh nói.

Được biết, dự án  “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – Giai đoạn 1” đã hoàn thành 72% khối lượng và buộc phải tạm dừng thi công từ 27/4/2018 đến nay do chưa giải ngân được một số hạng mục từ ngân hàng BIDV- Chi nhánh Nam Sài Gòn bởi UBND TPHCM chưa ký xác nhận để thanh toán.

Sự do dự của UBND TP là bởi Tư vấn giám sát hợp đồng tuy ký xác nhận giá trị hoàn thành nhưng trong văn bản xác nhận thường kèm theo các ý kiến và khuyến cáo về các nguy cơ.

Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Giám đốc Trung Nam BT 1547 – chủ đầu tư dự án cho hay, hiện dự án tạm dừng khi khối lượng thi công đã đạt 72%, tương đương với tổng giá trị hoàn thành là 5.690 tỷ đồng. Trong khi đó, Tư vấn giám sát hợp đồng chỉ xác nhận 3.503 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đã chi là 803 tỷ.

Cống Mương Chuối trong dự án chống ngập "khủng" của TP HCM đang bị dừng thi công.

Như vậy khối lượng công việc đã hoàn thành nhưng chưa được giải ngân lên tới 1.384 tỷ đồng, gây khó khăn cho nhà thầu và làm ảnh hưởng đến đời sống của đội ngũ các chuyên gia, kỹ sư và công nhân thi công trên công trường.

Điều này gây ra rất nhiều thiệt hại về tiến độ, lãi suất, nhân công, ước tính trung bình mỗi tháng là từ 17 – 20 tỷ đồng và theo ông Tiến, nếu không kịp thời giải quyết có thể dự án sẽ không kịp về đích theo dự kiến là 30/6/2019.

“Thiết bị máy móc con người chờ đợi thì rất tốn kém, kể cả khi chờ lâu thì lãi suất cũng tăng cao. Càng kéo dài thì càng thiệt hại nên chúng tôi rất mong muốn để hoàn thành sớm. Chúng tôi cố gắng làm việc với UBND để dự án khởi động lại. Việc tái khởi động sớm ngày nào, chưa nói hiệu quả nhưng sự làm phiền người dân sẽ giảm đi”, ông Nguyễn Tâm Tiến nói.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, UBND TP và các sở, ngành có liên quan như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước… đã có nhiều cuộc họp nhưng đều không đi đến thống nhất và cuối tháng 8/2018 vừa qua, UBND TP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết những vướng mắc.

Tại cuộc họp kinh tế - xã hội TP tháng 9/2018 mới đây, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TPHCM đã phải xin lỗi người dân TP, Thủ tướng Chính phủ về những lùm xùm của dự án chống ngập này.

Cống Phú Xuân trong dự án chống ngập "khủng" của TP HCM đang bị dừng thi công.

Theo ông Hoan, sự chậm trễ của dự án đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng, giá trị công trình, phát sinh thêm lãi suất… Vì thế, TP đã lập tổ kiểm tra nhanh chóng đánh giá lại toàn bộ quá trình thực hiện dự án bởi… “chậm ngày nào thì TP mệt ngày đó”.

“Dự án này thực hiện không thành công , làm chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ, giá trị, chất lượng công trình vì đội vốn do làm chậm, trì trệ, lãi suất phát  sinh thì đó là lỗi lớn của chúng ta với người dân TP, kể cả của TP với Chính phủ. Cho nên nhà đầu tư, tư vấn…nói gì thì cũng phải tập trung vào mục tiêu chung là thực hiện thành công dự án”, ông Võ Văn Hoan cho biết.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam cũng cho rằng, để xảy ra sự việc chậm trễ này là lỗi của UBND TP.

Theo ông Hậu, đáng lẽ UBND TP phải quyết liệt hơn trong giải quyết sự việc này. Về Tư vấn giám sát hợp đồng, với những  thông tin về công ty Meinhardt (thành viên của Liên doanh Tư vấn giám sát hợp đồng) đang dính vào những rắc rối về nợ thuế, bảo hiểm xã hội ở cả TPHCM và Hà Nội …thì TP nên thay nhà tư vấn khác.

Đoạn kè thuộc dự án chống ngập.

 “Nếu TP không sớm giải quyết thì rất có thể chủ đầu tư sẽ khởi kiện và có thể sẽ kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ dự án”, Luật sư Nguyễn Văn Hậu phân tích.

Với những gì đang diễn ra, TP  HCM hoàn toàn có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng với Công ty Meinhardt bởi nhà tư vấn đã vi phạm hợp đồng khi cung cấp không trung thực các hồ sơ tham gia gọi thầu.

Ngay cả sự thiếu thiện chí của đơn vị này khi từ chối tham gia các cuộc họp giữa các bên liên quan ngày 25/9 mới đây với lí do một số nhân viên bị đe dọa bởi các đối tượng xã hội (sự việc này đã khiến cho chủ đầu tư đã phải có văn bản đề nghị công an vào cuộc, điều tra làm rõ để minh bạch sự việc).

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, TP sớm giải quyết được ngày nào thì giảm thiệt hại được ngày đó và quan trọng hơn là lấy lại được niềm tin của các đối tác và người dân.

“Tôi thấy chấm dứt sớm ngày nào thì dự án đi vào sớm chừng đó chứ bây giờ mình cứ kéo dài, kiện thì phải vài năm thì dự án sẽ bị ảnh hưởng. Tôi cho rằng nên giải quyết dứt điểm, thay nhà thầu khác, rồi khiếu kiện gì làm riêng nhưng vì công trình này thì phải làm tiếp”,  Luật sư Nguyễn Văn Hậu phân tích.

Đồng quan điểm, ông Hồ Long Phi, chuyên gia về ngập nước cho rằng, TP cần phải thể hiện rõ vai trò của mình, sớm giải quyết dứt điểm sự việc. Theo ông Phi, dự án chống ngập 10 ngàn tỷ này tuy không thể giải quyết dứt điểm bài toán ngập của TP nhưng chắc chắn sẽ góp phần rất lớn trong việc giảm ngập ở những nơi mà dự án ảnh hưởng.

“Chuyện này không phải chuyện lớn nhưng mà TP phải dứt khoát hơn. Hiện nay đang có hai quan điểm ngược nhau. Khi khác thì TP lại không mạnh dạn giải quyết mà lại đẩy lên trên. Nên tôi nghĩ lỗi này TP nhiều. Nên TP phải có cách bên nào đúng thì phải làm cho rõ. Chứ bây giờ lùng nhùng như thế không được, công trình đã gần xong mà chậm trễ như thế là không đáng”, ông Hồ Long Phi nói.

Ngày 4/10 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã có văn bản khẩn gửi TPHCM, nêu rõ: Dự án này do UBND TPHCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư và phải trách nhiệm toàn diện về việc đầu tư và hiệu quả dự án.

Việc triển khai thực hiện dự án trên và giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án là thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền thành phố.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Chủ tịch UBND TPHCM tập trung chỉ đạo, kịp thời giải quyết các vướng mắc để triển khai dự án theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện dự án.

Dự án chống ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – giai đoạn 1 theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào cuối tháng 6/2019. Đã có thời điểm công trình này vượt tiến độ rất xa và được kỳ vọng sẽ về đích trước.

Tuy nhiên, nếu TP và các bên liên quan không quyết liệt giải quyết các vướng mắc, rất có thể, TP sẽ phải lại một lần nữa xin lỗi người dân./.