Sáng nay (27/2), Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết PISA 2012 và triển khai nhiệm vụ đánh giá học sinh phổ thông trên diện rộng tại Việt Nam.

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, đại diện các Cục, Vụ chức năng (Bộ GD&ĐT), đại diện các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế, cùng lãnh đạo Sở GD&ĐT các địa phương.

Tại hội nghị, Bộ GD&ĐT đã tổng kết những kết quả mà chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) 2012 đã đạt được. Năm 2012, lần đầu tiên học sinh Việt Nam tham gia chương trình và theo kết quả công bố mới đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thì Việt Nam đạt thứ hạng khá cao (xếp thứ 8 về Khoa học, thứ 17 về môn Toán và thứ 19 về môn Đọc hiểu trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia).

Vượt qua những khó khăn, thách thức khi lần đầu tiên tham gia vào chương trình PISA, Việt Nam đã nằm trong danh sách các nước có kết quả thi đứng đầu thế giới, cao hơn nhiều nước có nền giáo dục phát triển như Anh, Pháp, Mỹ…

img_0639.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đóng góp ý kiến cho Hội nghị

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, không phải ngẫu nhiên mà chúng ta có được  kết quả cao như vậy. Đó là kết quả của cố gắng, nỗ lực, sự chuẩn bị lâu dài. Hơn nữa, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong việc kiểm tra, đánh giá giáo dục trên diện rộng. Từ năm 2001, chúng ta thực hiện dự án Giáo dục tiểu học đánh giá học sinh lớp 5 trên toàn quốc, đánh giá học sinh lớp 5 vào năm 2007, năm 2011 và đánh giá học sinh lớp 9, lớp 11 trên diện rộng. Đó là những bước tập dượt, cả về mặt xây dựng lực lượng, cả về bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, giáo dục của chúng ta phải chuyển từ kiểm tra đánh giá gắn chủ yếu coi trọng kiến thức, xem học sinh học được gì sang đổi mới kiểm tra, đánh giá xem học sinh học được gì để vận dụng, giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Đây cũng là một trong những yêu cầu mà PISA đặt ra.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: “Kết quả chúng ta đạt được là rất nhỏ. Quan trọng là từ kết quả của PISA 2012, chúng ta phải vận dụng như thế nào vào việc đánh giá học sinh phổ thông trên diện rộng tại Việt Nam?”.  

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết PISA 2012 và triển khai nhiệm vụ đánh giá học sinh phổ thông trên diện rộng tại Việt Nam

Thứ trưởng cho biết: “Chương trình PASEC (Chương trình phân tích hệ thống giáo dục của Hội nghị Bộ trưởng các nước sử dụng tiếng Pháp) và PISA là một phần trong đổi mới kiểm tra đánh giá, đó là đánh giá trên diện rộng”.

Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, vận dụng các kĩ thuật, phương pháp của PISA vào công tác đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, nhất là đổi mới cách ra đề kiểm tra, đề thi và phương pháp đánh giá chất lượng trên diện rộng. Cùng với đánh giá từng học sinh như chúng ta đã làm lâu nay, chúng ta sẽ đồng thời vừa đánh giá chất lượng học sinh của địa phương, đất nước, vừa tham gia chương trình đánh giá học sinh quốc tế để biết được mặt bằng giáo dục của địa phương, đất nước, vừa tìm ra những giải pháp cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục.

Thứ trưởng yêu cầu lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng (Bộ GD&ĐT) cũng như lãnh đạo các Sở GD & ĐT các tỉnh thành tiếp tục tập huấn nâng cao nhận thức về chương trình PISA, đưa chương trình này vào kế hoạch, nhiệm vụ hàng năm của các cấp. Trung ương sẽ tiếp tục hỗ trợ tập huấn hướng dẫn quy trình, cách làm cũng như hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh thành để hướng tới tất cả các địa phương  đều có thể thực hiện được đầy đủ, đúng và đạt kết quả cao tại chương trình PISA các kỳ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai đánh giá học sinh quốc tế (PISA) 2012

Cũng trong sáng nay, để biểu dương những cố gắng của các cá nhân, đơn vị trong việc thực hiện chương trình PISA 2012, Bộ GD & ĐT đã trao bằng khen và tặng thưởng 8 tập thể và 33 cá nhân có thành tích xuất sắc./.

PISA là chữ viết tắt của “Programme for International Student Assesment - Chương trình đánh giá học sinh quốc tế” do OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế thế giới) khởi xướng và chỉ đạo.

PISA nổi bật nhờ quy mô toàn cầu và tính chu kỳ. Hiện đã có hơn 60 nước tham gia vào cuộc khảo sát có chu kỳ 3 năm 1 lần này để theo dõi tiến bộ của mình trong phấn đấu đạt được các mục tiêu giáo dục cơ bản. Cho tới nay PISA là cuộc khảo sát giáo dục duy nhất chỉ chuyên đánh giá về năng lực phổ thông của học sinh ở độ tuổi 15, độ tuổi kết thúc giáo dục bắt buộc ở hầu hết các quốc gia. PISA hướng vào các trọng tâm về chính sách, được thiết kế và áp dụng các phương pháp khoa học cần thiết để giúp chính phủ các nước tham gia rút ra các bài học về chính sách đối với giáo dục phổ thông.
(Theo Bộ GD&ĐT)