Những ngày qua, dư luận cả nước xôn xao, bất bình về vụ việc thầy giáo đánh học trò ngay trên bục giảng xảy ra ở Trường THPT Nguyễn Huệ, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

Đến sáng 24/2, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định thông báo Quyết định xử lý kỷ luật đối với giáo viên và 2 học sinh sai phạm. Theo đó, quyết định sa thải giáo viên Trần Anh Tuấn; cảnh cáo học sinh Nguyễn Thanh Long, khiển trách học sinh Nguyễn Phước Nghĩa. Như vậy, thầy giáo Trần Anh Tuấn không còn cơ hội để tiếp tục đứng trên bục giảng. 

Thầy trò đánh nhau: Hình ảnh vô cùng phản cảm

Trao đổi với phóng viên VOV online về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Liên Hương, hiện là giảng viên Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam tại Đại học Đài Loan (Trung Quốc), cho biết thầy trò dùng vũ lực với nhau là hình ảnh đi ngược hoàn toàn với những lễ - nghĩa. Mức kỷ luật nghiêm khắc đối với người thầy giáo và thực sự là bài học đau xót cho ngành Giáo dục.

img_4931.jpg
Chị Nguyễn Thị Liên Hương, giảng viên Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam tại Đại học Đài Loan (Trung Quốc)

Trong văn hóa Việt Nam nói riêng cũng như văn hóa Á Đông nói chung, lễ nghĩa “tôn sư trọng đạo” có vị trí rất quan trọng. Ai cũng biết những câu “Mồng 1 Tết cha, Mồng 2 Tết mẹ, Mồng 3 Tết thầy”, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”… Hai tiếng “người thầy” đã trở thành thiêng liêng trong ý thức người trò và xã hội.

Chị Liên Hương cho biết, qua những hình ảnh trong clip có thể thấy thầy giáo là người sai trước – khi không kiềm chế được mình, đã giơ tay tát học trò trước mặt cả lớp (bất luận vì lý do gì – hình ảnh người thầy giơ tay lên tát học sinh là không thể chấp nhận được). Tuy nhiên, người học sinh nhẽ ra hoàn toàn có thể bảo vệ mình bằng cách tố cáo với nhà trường hành vi phản sư phạm của thầy giáo, nhưng rất tiếc đã không làm thế, mà lại phản kháng giơ tay đánh trả lại thầy ngay trên bục giảng khiến những hình ảnh vô cùng phản cảm này nhân lên gấp đôi.

Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam tại Đài Loan, theo chị Liên Hương, các nước Á Đông trong giai đoạn đang phát triển đều có tình trạng như vậy. Ở Đài Loan, Bộ Giáo dục từ năm 2004 đã đưa ra một Phương án về Coi trọng thúc đẩy giáo dục phẩm chất nhân cách cho học sinh, sinh viên và những người làm việc trong môi trường sư phạm. Phương án này nhằm thông qua việc tăng cường sự phát triển cân bằng về “đạo đức trí tuệ, thể lực, thẩm mỹ, cộng đồng”, trong đó coi trọng nhất là về đạo đức phẩm chất để thúc đẩy sự hài hòa và tiến bộ cho xã hội. 

Với mục tiêu này, phương án đã đưa ra những biện pháp hướng dẫn chỉ đạo, cụ thể là đề ra những mục tiêu như: coi trọng thúc đẩy học sinh tư duy về đạo đức phẩm chất, khuyến khích làm theo những tấm gương mẫu mực thông qua xem phim – kể chuyện, xây dựng môi trường sư phạm gương mẫu (ví dụ các thầy cô giáo, những nhân viên hành chính trong nhà trường, đều phải tuân theo những quy định chuẩn mực nhất định), khuyến khích sinh viên tham gia những hoạt động từ thiện – phục vụ xã hội… Cứ 2 - 3 năm một lần, Bộ Giáo dục sẽ điều chỉnh lại phương án một một lần cho phù hợp với hiện tại.

Dưới sự chỉ đạo của phương án đầu mối, các tỉnh, thành phố và các huyện thị đều tuân theo nội dung phương án này, lập ra các biện pháp hoạt động cụ thể theo từng địa phương. Ví dụ các trường tiểu học ở Đài Bắc khuyến khích các phong trào tổ chức thi đua, quảng cáo tuyên truyền. Các trường cấp 2, cấp 3 hợp tác với bên cảnh sát – nếu học sinh có đi tham gia các hoạt động xã hội thì cũng được cộng điểm (ví dụ tham gia các hoạt động dọn dẹp giữ gìn khu phố sạch đẹp, giúp đỡ người già neo đơn…). Điều đặc biệt là khi thi Đại học, ngoài điểm các môn thi thì điểm đạo đức, biểu hiện phẩm chất của học sinh trong 3 cấp cũng là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá.

Luân lý vẫn là dòng chủ đạo

Giảng viên Nguyễn Thị Liên Hương khẳng định, trong xã hội hiện đại, mối quan hệ thầy - trò hiện nay đã có sự gần gũi hơn, dân chủ hơn và không còn cách biệt như xưa, nói như thế không có nghĩa là có thể vứt bỏ đi sự tôn trọng của trò đối với thầy và ngược lại. 

Nền tảng của mối quan hệ thầy trò là nếu học sinh có tôn trọng thầy thì mới tiếp thu được kiến thức của người thầy truyền đạt, nếu ngược lại thì sự truyền thụ kiến thức của người thầy sẽ kém hiệu quả. Nhưng muốn làm được điều này, người thầy phải là tấm gương cho người học trò noi theo trên mọi phương diện.

Từ cách đây gần 20 năm, UNESCO đã cảnh báo các nước phương Đông cũng như phương Tây, thế kỷ 21 sẽ phải đối diện với những thách thức về “đạo đức, luân lý và các giá trị quan” và dù bất luận thế nào, mọi chuyện trong giáo dục cũng đều phải quay về dòng chủ đạo luân lý./.