Ngày nay, phần lớn sinh viên ngày nay luôn sáng tạo, hăng hái đi đầu trong các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ. Được sống trong một môi trường giáo dục đầy đủ từ gia đình, nhà trường và xã hội, đa phần sinh viên sống có lý tưởng, hiểu biết về giá trị đạo đức, văn hóa. Họ sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, tình nguyện vì cộng đồng.

Bạn Đỗ Ngọc Nhung, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, việc hình thành, điều chỉnh, định hướng nhân cách cho người Việt Nam nói chung và sinh viên Việt Nam nói riêng luôn là điều thiết yếu và hết sức quan trọng. Bởi lẽ nhân cách chính là tâm hồn, là giá trị cao quý của bản thân mỗi con người. Với lớp sinh viên Việt Nam, điều đó rất quan trọng và tạo nên một thế hệ thanh niên, tri thức trẻ có bản lĩnh, có tài năng và có nhân cách cao đẹp.

4-(2).jpg
Nhân cách được hình thành từ những việc làm cụ thể hàng ngày

“Sẽ là thiếu sót nếu khi nói đến bảng vàng thành tích của sinh viên Việt Nam, chúng ta không đề cập đến hoạt động không kém phần quan trọng và rất thường xuyên trong việc bồi dưỡng, rèn luyện nhân cách thanh niên, đó chính là các hoạt động xã hội mà thanh niên tham gia”- Bạn Ngọc Nhung chia sẻ.

Nhiều sinh viên sẵn sàng đến những vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn chia sẻ cùng đồng bào nơi đây.

Một minh chứng đẹp về hoạt động tình nguyện của sinh viên là hình ảnh sinh viên tay trong tay âm thầm cùng các đơn vị khác hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ trật tự an ninh trong lễ quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đến tận bây giờ, nhiều người dân vẫn lưu giữ ấn tượng tốt đẹp về những hành động đẹp, giúp đỡ mọi người trong Lễ tang Đại tướng.

Bạn Lê Thị Quỳnh Trang, sinh viên Học viện Hành chính cho rằng, khi bàn về nhân cách, thực ra chúng ta đang đề cập những suy nghĩ, hành động của thanh niên qua cuộc sống thường ngày bởi như cha ông ta đã từng nói rằng: "Qua gương nhìn thấy cơ thể, qua hành động nhìn ra nhân cách".

Tuy nhiên, trong tiến trình hội nhập của xã hội có nhiều yếu tố đang tác động, ảnh hưởng đến nhân cách của sinh viên. Một bộ phận sinh viên chưa xác định được lý tưởng sống, bản lĩnh chính trị không vững vàng, thiếu sự kiên định nên đã dẫn đến những sai lệch về đạo đức cũng như hành vi.

Theo Chủ tịch Hội Sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội Lâm Tùng, đáng báo động hiện nay là một số sinh viên có thái độ thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm đạo đức, ích kỷ. Nguy hiểm hơn, một số sinh viên xa rời các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, sống buông thả. Những giá trị đạo đức truyền thống vốn là niềm tự hào của dân tộc như đức tính lao động cần cù, tiết kiệm, trung thực, nhân ái... đã bị một số sinh viên bỏ qua. Không ít sinh viên chạy theo lối sống hưởng thụ, sống buông thả, tự đặt mình ra khỏi những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức xã hội, có lối hành xử bạo lực, phi nhân tính, hoặc lười học tập, lười lao động.

Anh Lê Quốc Phong, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam cũng nhận định, mặt trái của kinh tế thị trường và quá trình hội nhập, những bất cập, hạn chế trong giáo dục và đào tạo đã có những tác động tiêu cực tới sinh viên. Một bộ phận ít sinh viên còn thờ ơ về chính trị, sống thực dụng, chạy theo những trào lưu, xu hướng lệch lạc. Một số sinh viên mắc vào các tệ nạn xã hội, thậm chí vi phạm pháp luật. Không ít sinh viên chưa xác định rõ mục tiêu, động cơ học tập đúng đắn, dẫn đến thiếu ý chí phấn đấu, rèn luyện, kỹ năng mềm chưa tốt, ảnh hưởng đến năng lực làm việc khi ra trường.

Để nhân cách thanh niên phát triển toàn diện

Tại một diễn đàn về thanh niên, một Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam đã từng chia sẻ: “Nhân cách không tự nhiên mà có, cũng không mặc định ở mỗi con người. Vai trò của tổ chức Đoàn là phối hợp với các tổ chức xã hội khác, định hướng cho thanh niên hướng tới những giá trị tốt đẹp để thế hệ trẻ có thể hoàn thiện nhân cách của mình”.

Bạn Đỗ Ngọc Nhung, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, để nhân cách thanh niên phát triển một cách toàn diện, tích cực nhất, Hội Sinh viên Việt Nam cần đồng hành, đi sâu vào đời sống của sinh viên để kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng cũng như đáp ứng những yêu cầu chính đáng của thanh niên. Từ đó, khuyến khích, tạo cho sinh viên những động lực to lớn để thể hiện khả năng của bản thân.

Theo bạn Lê Thị Quỳnh Trang (sinh viên Học viện Hành chính), để hoạt động giáo dục lý tưởng cho thanh niên đạt kết quả tốt nhất, Nhà trường, Đoàn Thanh niên cũng như các tổ chức liên quan cần có được kế hoạch thực hiện cụ thể và hợp lý. Không chỉ nói lý thuyết suông mà cần lồng ghép vào đó những ví dụ sinh động từ thực tiễn để đoàn viên thanh niên hiểu rõ và nắm bắt vấn đề để tích lũy và vận dụng cho cuộc sống. Gia đình, nhà trường có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc hình thành nhân cách của thanh niên. Gia đình cần có sự kết hợp với nhà trường để quản lý thanh niên được đa dạng hơn. Gia đình cần quan tâm đến cuộc sống của con em ở độ tuổi thanh niên về học tập cũng như các mối quan hệ xã hội, cùng chia sẻ những điều mà các bạn còn băn khoăn. Những thành viên trong gia đình chính là những tấm gương gần gũi nhất, thực tế nhất để giáo dục cho thanh niên. “Sự quan tâm của gia đình sẽ phần nào hạn chế thanh niên bước chân vào những con đường sai trái. Cùng với gia đình, nhà trường cần có nhiều biện pháp hơn nữa để quản lý học sinh, sinh viên, thắt chặt nề nếp, kỷ cương nhà trường”.

Anh Lê Quốc Phong, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam cho biết, nhân cách sinh viên luôn là một trong những vấn đề mà Trung ương Hội sinh viên Việt Nam quan tâm hàng đầu. Trong nhiệm kỳ này, một trong 5 đề án, chương trình trọng tâm mà Trung ương Hội  triển khai nhằm trực tiếp hỗ trợ hội viên, sinh viên và công tác Hội là Đề án giáo dục đạo đức lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, truyền thống cho sinh viên.

Dù vậy, quan trọng nhất vẫn chính là bản thân mỗi sinh viên phải thay đổi suy nghĩ và hành động để xây dựng cho mình nhân cách tốt đẹp hơn./.

Theo Hội Sinh viên Việt Nam, tổng số sinh viên cả nước hiện nay có khoảng 2.204.000 (tăng 143% so với năm 2008), đạt tỷ lệ khoảng 250 sinh viên/1 vạn dân, trong đó: sinh viên đại học chiếm 66%, sinh viên cao đẳng chiếm 34%; nữ sinh chiếm 49,6%; số sinh viên học tập tại các trường công lập chiếm 85%, các trường ngoài công lập chiếm khoảng 15% tổng số sinh viên; sinh viên hệ chính quy là 1.962.000. Ngoài ra, có khoảng 80.000 lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại gần 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.