Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) nhằm giúp người dân ở các địa phương khó khăn tiếp cận với các loại hình giáo dục. Đây là một trong những việc làm theo lộ trình đề án “Xây dựng xã hội học tập đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tại Hội thảo đánh giá hoạt động của TTHTCĐ diễn ra sáng 17/1, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, TTHTCĐ có chức năng, nhiệm vụ tổ chức việc học tập có hiệu quả cho mọi gười dân theo phương châm “cần gì học nấy”. Hoạt động của TTHTCĐ nhằm tạo điều kiện thuận  lợi cho mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Tại đó, người dân được phổ biến kiến thức, mở rộng hiểu biết…

Từ một số trọng tâm thí điểm năm 1997, cho đến nay, toàn quốc có gần 11.000 TTHTCĐ, đạt 97,4% số xã, phường có TTHTCĐ.

 111xa-hoi-hoc-tap.jpg
Trung tâm Học tập cộng đồng tại các địa phương sẽ giúp người dân có cơ hội được học tập suốt đời (Ảnh minh họa)

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XI năm 2013 đã thông qua Nghị quyết 29/NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục với phương châm xây dựng nền giáo dục mở, hướng tới xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Đổi mới nền giáo dục sẽ không thể thiếu mô hình học tập cộng đồng.Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT xác định định phát triển mô hình hoạt động của TTHTCĐ kết hợp với Trung tâm văn hóa, thể thao xã. Mỗi đơn vị cấp xã có một trung tâm làm nhiều nhiệm vụ. Trong đó, trung tâm tiếp tục đa dạng hóa nội dung giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi tầng lớp nhân dân; đưa lớp học về gần với người học, tổ chức các hình thức học tập linh hoạt và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia học tập, góp phần nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Theo ông Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD-ĐT), để TTHTCĐ ở các địa phương hoạt động hiệu quả, sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ các địa phương tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên nhằm nắm bắt nhu cầu học tập của người dân để có phương thức giảng dạy phù hợp. Bộ cũng khuyến khích các địa phương sử dụng công nghệ thông tin và những tiến bộ của khoa học công nghệ vào đào tạo học viên cả trong học kiến thức văn hóa và học nghề./.