Hôm nay (27/12), tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 2123/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 - 2015.
Tính đến hết năm 2013, các địa phương đã xây dựng được 72 phòng học, 45 phòng công vụ giáo viên và đầu tư đồ dùng thiết bị dạy học cho các điểm trường tiểu học có học sinh dân tộc rất ít người, từ nguồn kinh phí Chương trình Mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo với tổng kinh phí hơn 52 tỷ đồng.
Tổng kinh phí Trung ương đã phân bổ cho các địa phương để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất cho các điểm trường tiểu học có học sinh dân tộc rất ít người trong nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo là gần 66 tỷ đồng.
Số phòng học được xây đạt 67%, số phòng công vụ giáo viên đạt 41% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, Nghệ An và Kon Tum là hai tỉnh đã hoàn thành kế hoạch xây dựng phòng học và đạt chỉ tiêu cao nhất về xây nhà công vụ cho giáo viên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức biên soạn một số tài liệu đặc thù hỗ trợ giáo viên, học sinh các dân tộc rất ít người và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho giáo viên, giúp giáo viên triển khai tốt nội dung chương trình dạy học. Các sở giáo dục và đào tạo đã triển khai tập huấn ở Trung ương cho tất cả cán bộ quản lý và giáo viên dạy học sinh dân tộc rất ít người tại địa phương.
Để đạt được mục tiêu trong 2 năm tiếp theo của Đề án, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng: Các địa phương cần lồng ghép từ nhiều nguồn khác ngoài nguồn Chương trình Mục tiêu quốc gia. Việc hoàn thành đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học cần phải xã hội hóa để thầy cô giáo yên tâm giảng dạy cho học sinh dân tộc rất ít người.
Tại hội nghị, các địa phương kiến nghị Chính phủ có chính sách bền vững hỗ trợ đặc biệt về học tập đối với trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người sau năm 2015, trong đó mở rộng đối tượng đối với tất cả học sinh là con em đồng bào các dân tộc rất ít người, vì hầu hết đây đều là những đối tượng sinh sống ở những vùng có điều kiện kinh tế xã hội rất khó khăn./.