Số vụ cháy giảm, thiệt hại tăng

Chiều 3/4, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định - Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, toàn thành phố xảy ra 1.100 vụ cháy, nổ trong năm 2017 và quý I/2018, trong đó có 31 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 7 vụ cháy lớn làm 24 người chết, 18 người bị thương, tài sản thiệt ước tính 617 tỷ đồng và 6,3 ha rừng.

Mặc dù số vụ cháy giảm 94 vụ so với cùng kỳ nhưng thiệt hại về người vẫn bằng năm trước, tài sản thiệt hại tăng hơn 125 tỷ đồng.

chay_xuong_banh_xa_duc_thuong_hoai_duc_kjqq.jpg
Một vụ cháy xưởng bánh kẹo ở Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội.

Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho rằng, tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ có dấu hiệu gia tăng.

“Nội thành là địa bàn xảy ra cháy nhiều, chiếm hơn 67%, các huyện ngoại thành hơn 23%. Các vụ cháy chủ yếu xảy ra ở các doanh nghiệp tư nhân và dân dân chiếm 95%. Số vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng chỉ chiếm 2-3% nhưng thiệt hại chiếm khoảng 90%", ông Định cho biết.

Theo người đứng đầu Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, nguyên nhân cháy nổ do sự cố điện chiếm 64,1%. Các vụ cháy do hàn cắt kim loại đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản.

Tẩy chay chung cư mini

Tướng Định cũng cho hay, nhà chung cư cao tầng, liền kề phát triển, thiết chế quản lý chưa rõ ràng, nhà đầu tư chưa quan tâm đến trang thiết bị PCCC dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt số tồn tại các công trình vi phạm khi chưa nghiệm thu PCCC đã đưa dân vào ở. Hiện số công trình này đã giảm từ 79 xuống còn 29 công trình.

Trong 29 công trình thì có 15 công trình không còn khả năng khắc phục được theo theo tiêu chuẩn PCCC do liên quan đến kết cấu, công năng toà nhà. Theo ông Định đây không phải hạ mức tiêu chuẩn mà phải dùng giải pháp khác để bổ sung thay thế chứ không phải hạ mức tiêu chuẩn hiện hành.

Thiếu tướng Hoàng Quốc Định: Theo thống kê, Hà Nội có 87 vụ cháy nhà chung cư cao tầng. Tính chất các vụ cháy chưa quá to, được người dân xử lý kịp thời. Tuy nhiên, nguy cơ chung cư cao tầng cháy ở vị trí tầng đế chứa phương tiện rất dễ xảy ra và dễ cháy to, lan nhanh. Số người thương vong sẽ rất lớn nếu không dập lửa nhanh, theo nguyên lý khói bốc lên trên, đa số nạn nhân chết nhiễm độc khói. Đây là vấn đề cảnh sát PCCC lo lắng.

Với 3 công trình CT4 Văn Khê, Công ty CP Sông Đà làm chủ đầu tư; chung cư CT5 A, B Văn Khê và chung cư CT6 Văn Khê (khu đô thị Văn Khê, của công ty CP Hà Châu OSC làm chủ đầu tư, Sở Cảnh sát PCCC đã tập trung thu thập tài liệu hồ sơ, chuyển cơ quan điều tra CATP Hà Nội thụ lý, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định thông tin.

Theo Tướng Định, để giữ nghiêm kỷ cương cần phải có biện pháp răn đe mạnh đối với chủ đầu tư.

“Chỉ cung cấp điện, nước khi công trình được cấp đầy đủ Giấy chứng nhận PCCC trước khi đưa dân vào ở”, ông Định đưa ra giải pháp.

Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc PCCC có yếu tố quyết định thành bại trong công tác PCCC.

Liên quan đến sự an toàn cháy nổ trong các chung cư mini, ông Định khuyến cáo người dân không nên ham rẻ mua mà cần tẩy chay chung cư mini do thiếu an toàn về chất lượng PCCC khi xảy ra cháy nổ rất khó lường về hậu quả.

Lãnh đạo Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cũng cho biết, trong thời gian tới lực lượng PCCC sẽ tổ chức thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật, các chủ trương, biện pháp PCCC và cứu nạn cứu hộ. Đồng thời chủ động nghiên cứu, rà soát phát hiện sơ hở, thiếu sót, bất hợp lý trong tổ chức thực hiện để kiến nghị, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện.