Chính phủ đang xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Bộ Luật Lao động sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2012, trong đó dư luận đặc biệt quan tâm đến khoản 3, điều 187 về kéo dài tuổi nghỉ hưu cho một số đối tượng.

Xung quanh nội dung này, VOV online phỏng vấn ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

lqt_6561.jpg
"Nhiều người có năng lực lại không muốn kéo dài thời gian làm việc" - ông Bùi Sỹ Lợi (ảnh Quang Trung).

PV:Thưa ông, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cho một số đối tượng có phải lần đầu tiên chúng ta áp dụng nên còn nhiều lúng túng?

Ông Bùi Sỹ Lợi:Thực tế, khi luật chưa ban hành, chưa sửa đổi thì chúng ta đã thực hiện việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cho nhóm lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tối đa là 5 năm. Nhưng nhóm đối tượng áp dụng chỉ gồm Thứ trưởng và PCT UBND TP Hà Nội và TP HCM; nhóm kỹ sư có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Các đối tượng này được giữ lại với hai điều kiện: không tham gia quản lý và phải do nhu cầu sử dụng lao động, người lao động có nhu cầu và đủ điều kiện tiếp tục làm việc.

Trong luật sửa đổi lần này, chúng ta chỉ nói là có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và quản lý thì được nâng tuổi nghỉ hưu tối đa không quá 5 năm. Vậy bài toán đặt ra là hiện nay, việc nâng tuổi như vậy giải quyết hai vấn đề: phát huy năng lực, trí tuệ, tài năng của nhóm lao động này để góp phần cho quá trình phát triển đất nước; thứ hai, góp phần bảo đảm cân bằng quỹ hưu trí tương lai. Cũng có ý kiến nói rằng, việc nâng tuổi liên quan đến lợi ích nhóm. Nếu cách làm của chúng ta không tốt thì chuyện đó có thể xảy ra.

PV: Vậy, theo ý kiến của ông, chúng ta nên thực thi Điều 187 của Bộ Luật lao động theo hướng nào?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Theo tôi, chúng ta phải nghiên cứu, tính toán thêm tình hình thực tiễn đất nước. Trong giai đoạn hiện nay, nước ta đang trong thời kỳ dân số vàng (bắt đầu từ 2007) và có thể kéo dài trong 20-30 năm. Số lượng học sinh, thanh niên được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật… ngày càng nhiều nếu không có vị trí công việc thì đây cũng là một sự lãng phí xã hội. Nhưng nếu vì chuyện tuổi tác mà chúng ta lại đưa ra một nhóm đối tượng quản lý có chuyên môn, kỹ thuật cao thì cũng là bài toán về lãng phí chất xám. Qui định của pháp luật là vậy nhưng chúng ta phải tính toán cụ thể.

PV: Vậy việc thực hiện nâng tuổi nghỉ hưu sẽ áp dụng đại trà từ 1/5/2013, ngay khi Bộ luật này có hiệu lực, thưa ông?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Nếu nâng tuổi nghỉ hưu một cách ồ ạt thì cũng có chuyện giữ lại các vị trí lãnh đạo chủ chốt dẫn đến chuyện phá vỡ cơ cấu, qui hoạch đội ngũ cán bộ tương lai. Vì thế, phải tính toán lộ trình thích hợp. Lộ trình ưu tiên trước hết là phải giải quyết việc nghỉ hưu của nữ, vì nhiệm vụ cấp bách của chúng ta là giải quyết bình đẳng giới. Không nhất thiết phải nâng đồng bộ tuổi nghỉ hưu cho cả nam và nữ. Vì nếu anh lại đặt ra vấn đề cả nam nữ phải theo lộ trình đồng bộ thì có thể bất bình đẳng giới lại xảy ra.

Tương lai, dù sớm hay muộn thời kỳ dân số vàng cũng qua đi, lúc đó tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ phải nâng lên. Trong khoản 3 của Điều 187 có nêu, tuổi kéo dài tối đa không quá 5 năm. Khi hướng dẫn phải linh hoạt làm sao để người nào đáp ứng được 2 năm thì đề nghị sử dụng 2 năm… đảm bảo cân bằng giữa sức khỏe và nguồn nhân lực.Khoảng từ năm 2018 cần có lộ trình cứ 2 năm nâng 1 tuổi nghỉ hưu cho lao động nữ và vài ba năm nâng tuổi cho nam. Để đến năm 2028 có thể tuổi nghỉ hưu của tất cả lao động là 60 tuổi.

PV:Có ý kiến cho rằng, chủ yếu những người có chức, có quyền mới mong muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu. Thế nhưng, trong số những người lãnh đạo không phải ai cũng xuất sắc đến mức phải giữ lại. Ông có cùng cảm nhận này không?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Theo quan sát của tôi, nhiều người có năng lực lại không muốn kéo dài thời gian làm việc. Vì người ta không trong quan hệ lao động Nhà nước vẫn có thể có việc làm, vẫn có thu nhập cao hơn. Còn trong số những người muốn kéo dài, cũng có nhiều người năng lực thực sự nhưng có thể một bộ phận không nhỏ có sức ỳ lớn, chưa muốn thoát ly khỏi nhà nước. Những người đã có năng lực thì không muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu trong cơ chế thị trường. Nhưng chúng ta cũng phải tính đến chuyện muốn hay không muốn mà phải tính đến chuyện đóng góp phải phù hợp hưởng thụ.

PV: Vậy theo ông, nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu thì có nhất thiết người đó phải được duy trì vị trí lãnh đạo của mình?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Tôi nghĩ rằng, không cần giữ chức vụ lãnh đạo. Nếu bù đắp tốt thì người ta vẫn gắn bó với Nhà nước. Như tôi đã nói ở trên, phải có tiêu chí cụ thể chứ không phải cứ người đó có vị trí thì được giữ lại.

Nhưng chúng ta cũng không nên máy móc giữ lại là không giữ chức vụ, có thể giữ chức vụ nếu đủ điều kiện, đáp ứng yêu cầu. Nếu bỏ anh đi thì hệ thống bộ máy không tìm được người thay thế. Còn nếu tìm được người thay thế thì anh phải đứng ra làm chế độ chuyên gia. Nếu kéo dài 5 năm nữa thì người kế tiếp anh không còn tuổi qui hoạch, đề bạt nữa thì lại lãng phí.

Tôi hy vọng, trong hướng dẫn của Chính phủ lần này, chúng ta phải giữ được những người thực thụ có tài, có nhu cầu làm việc đáp ứng yêu cầu, cần thiết của xã hội.

PV: Vậy còn ý kiến cho rằng, việc nâng tuổi nghỉ hưu sẽ giúp giải bài toán khó mà quỹ bảo hiểm hưu trí đang gặp phải?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Nguyên tắc của bảo hiểm hưu trí là đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Vấn đề đặt ra là không phải là tuổi nghỉ hưu mà cả chính sách đóng, hưởng bảo hiểm. Hiện nay, mất cân bằng về quỹ bảo hiểm xã hội không phải do tuổi nghỉ hưu thấp mà do chúng ta đóng-hưởng không cân đối. Trong khi thực hiện chính sách tiền lương cho người làm công ăn lương thì lại điều chỉnh cả tiền lương cho người đã nghỉ hưu. Thực tế, người nghỉ hưu từ 1/1/95 trở về trước hoàn toàn là do bao cấp ngân sách chứ không phải bằng tiền đóng bảo hiểm hưu trí như hiện nay. Nếu giải quyết được cả tuổi nghỉ hưu, mức đóng – hưởng thì mới giải quyết được vấn đề.PV: Xin cảm ơn ông!

GS. TS Nguyễn Minh Thuyết: Nên đặt thứ tự ưu tiên để áp dụng

Trước hết, phải thống nhất quan niệm kéo dài tuổi nghỉ hưu với một số đối tượng là vì công việc chung, chứ không phải vì quyền lợi của số anh chị em này. Nói cho đúng, người có thực tài nghỉ hưu cũng không bao giờ hết việc làm. Đừng có lo họ không tiếp tục đóng góp được cho xã hội. Nhưng nếu mục tiêu kéo dài tuổi nghỉ hưu là như vậy thì không nên áp dụng đồng loạt, kể cả trong cùng một nhóm đối tượng. Ví dụ, cùng có học vị tiến sĩ nhưng trình độ cũng khác nhau lắm. Số có năng lực khoa học thực sự không phải là cao, số bằng cấp do quan hệ này khác cũng nhiều… Nếu kéo dài thời gian công tác đối với tất cả những người thuộc nhóm đối tượng này thì có ổn không? Một vị lãnh đạo Chính phủ từng nhận xét rằng 30% công chức sáng cắp ô đi, tối cắp về, có cũng như không. Theo tôi, số cán bộ quản lý hoặc có học hàm học vị cũng không nằm ngoài tình trạng chung ấy. Nếu giữ đồng loạt tất cả 5 năm như nhau tức là vẫn duy trì số 70% không làm được việc.

Vấn đề thứ 2 cần quan tâm là: Kéo dài thời gian công tác cho cán bộ quản lý từ cấp vụ trưởng trở lên thì họ sẽ ở lại làm gì? Không phải không có dư luận cho rằng ở đây có vấn đề lợi ích nhóm: Những người có quyền quyết định về chính sách lại đề ra chính sách ưu ái cho mình. Theo tôi, những cán bộ này nếu có ở lại cũng không nên tiếp tục giữ chức vụ quản lý mà nên làm công tác tư vấn, chuyên môn. Cần tạo điều kiện để lớp trẻ thay thế họ. Trong lớp trẻ, rất nhiều người có tiềm năng, nếu được giao việc thì họ có thể làm tốt, thậm chí có khi tốt hơn những người tiền nhiệm. Hậu sinh khả úy là quy luật ở đời. Nếu không phải như vậy thì từ xưa đến nay nhân loại đã đi thụt lùi.  

Vấn đề thứ 3 là: Nên ưu tiên giữ lại những đối tượng nào? Theo tôi, bước đầu, nên ưu tiên áp dụng cho các cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cao trong các ngành y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học…

TSKH Nguyễn Thị Hiền: Không nên cứng nhắc

Những người có trình độ thật sự thì việc nghỉ hưu đúng tuổi cũng không làm mất cơ hội cống hiến. Họ hoàn toàn có thể tiếp tục làm việc mà không giữ các chức vụ quản lý và làm việc theo chế độ hợp đồng. Bản thân tôi cũng là trường hợp đến tuổi nghỉ hưu (55 tuổi) nhưng cơ quan vẫn giữ lại làm việc thêm. Quy định như hiện hành là hợp lý. Tùy theo yêu cầu của cơ quan đó mà người được giữ lại có tiếp tục giữ chức vụ quản lý nữa hay không. Người nào tuổi lớn rồi mà thấy không cần thiết ở cấp quản lý đó nữa thì có thể đề nghị người khác. Nói chung là rất linh hoạt chứ không phải cứng nhắc.

Nếu suy nghĩ rằng nghỉ hưu rồi thì không có cơ hội cống hiến cho xã hội, đất nước nữa thì hơi cực đoan. Nghỉ hưu rồi mà chuyên môn tốt nhưng cơ quan cũ không có nhu cầu giữ lại thì mình vẫn có thể làm việc ở chỗ khác. Nếu có khả năng cống hiến thì làm gì xã hội không nhận ra?/.