Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đang tiếp tục lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Nghị định hướng dẫn Điều 187 Bộ luật Lao động về tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nói chung, lao động nữ nói riêng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tăng tuổi nghỉ hưu có cả cơ hội và thách thức đối với người lao động và các cơ quan liên quan. Ở góc độ của một nhà ngoại giao, bà Nguyễn Nguyệt Nga, Đại sứ- Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao cho rằng, nâng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ là thông điệp rõ ràng nhất cho việc Việt Nam đang tích cực thực hiện Luật Bình đẳng giới. Phóng viên VOV phỏng vấn bà Nguyễn Nguyệt Nga về vấn đề này. 

nu%20nghien%20cuu%20kh.jpg
Nên tăng tuổi nghỉ hưu đối với các nhà khoa học là nữ

PV:Thưa bà, việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ vẫn là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

Bà Nguyễn Nguyệt Nga:  Trong số nguồn nhân lực của đất nước thì chúng ta có tới 50% là nữ. Vì vậy, phải có chính sách để tận dụng nguồn lao động này. Về độ tuổi nghỉ hưu của nữ phải nhìn nhận trước hết là về Luật và về quyền.

Luật thì nên thực hiện như Hiến pháp và đã quy định là sự bình đẳng giữa mọi người dân, bình đẳng giữa nam và nữ. Còn về quyền thì chúng ta nên để cho chị em phụ nữ lựa chọn. Tôi thấy, nhiều đại biểu nhất trí với hướng về luật là chị em được quyền làm đến 60 tuổi, nhưng lựa chọn quyền lợi có thể là nghỉ 55 hay đến 60 tuổi.

Hiện nay, nhiều ngành nghề rất cần chị em có kinh nghiệm, trình độ nên chúng ta cần biết tận dụng và kéo dài tuổi nghỉ hưu của họ.

PV:Vâng theo bà, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cho lao động nữ thực hiện như thế nào là hợp lý trong điều kiện kinh tế -xã hội đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay?

Bà Nguyễn Nguyệt Nga:Muốn quyết định một chính sách và tác động đến một phận lớn người dân là phụ nữ chiếm 50% dân số thì cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Vì vấn đề này còn liên quan đến tiền lương, những vấn đề về tư tưởng trong xã hội. Do vậy, cần phải có thảo luận và sự đồng thuận của nhiều cơ quan.

Chúng tôi nhất trí là nên tăng tuổi nghỉ hưu cho nữ là 60 và có thể thực hiện đối với những người ở cấp quản lý trở lên, công tác trong các cơ quan nhà nước hay các doanh nghiệp lớn, nghiên cứu khoa học… Vì họ có thể cống hiến cho sự phát triển đất nước trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội… Tuy nhiên, sau 2-3 năm, chúng ta phải rà soát hoặc tốt nhất là hàng năm để xem là họ đã làm tốt hay chưa tốt để rút kinh nghiệm.

PV:Là một nhà ngoại giao, bà có thể cho biết sự nhìn nhận của bạn bè thế giới về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ ở Việt Nam hiện nay như thế nào và đâu là những lợi ích nếu chúng ta nâng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ lên, thưa bà?

Bà Nguyễn Nguyệt Nga:Việc tăng tuổi nghỉ hưu của nữ là vấn đề lớn đặt ra cho nước ta, bởi vì chúng ta đã tụt hạng trong 6 năm từ năm 2005-2011, tụt 20 bậc, từ vị trí 23 xuống 43 trong tổng số 129 nước (trong việc phụ nữ tham gia đóng góp cho chính trị).

Có thể nói, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới phụ nữ. Muốn có một hình ảnh Việt Nam đổi mới trong bè bạn thế giới thì phải tăng tuổi nghỉ hưu của nữ, vì tỷ lệ cán bộ, công chức là nữ đang giữ chức vụ quản lý là hơn 11.000 người trong tổng số trên 2 triệu người.  Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu của họ sẽ mang lại nhiều lợi cho đất nước.

PV:Vâng, xin cảm ơn bà!./.