Năm nào cũng vậy, cứ tới ngày Tết làng tổ chức đầu tháng Chạp, ông Lý Tài Thông lại thức dậy từ sớm, gọi con cháu sửa soạn lễ vật mang đến nhà mo làng cùng ăn Tết. Đường tới nhà mo làng Dương Du Minh ở thôn Đồng Mùng, xã Tân Dân tấp nập ngay từ ngõ, già trẻ, gái trai từ cách đó đến 6 km cũng hối hả về đây, í ới gọi nhau chuẩn bị cho lễ cúng cuối năm.

Tết làng là dịp quan trọng cuối cùng trong năm của người Dao Thanh Phán, các dòng họ tập trung nhau lại bày tỏ sự biết ơn thánh thần, tiên tổ. Mo làng là người uy tín được chọn ra, thay mặt các dòng họ báo cáo với Bàn Vương và tổ tiên về một năm lao động sản xuất, mời tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu.

vov__1__bjgd.jpg
Ông Dương Du Minh cẩn thận tách vỏ loại cây đặc biệt để làm hương theo truyền thống của người Dao Thanh Phán.

Ông Lý Tài Thông chia sẻ: “Sáng đi là tôi phải chuẩn bị, con gà, vò gạo, lít rượu, tệp mã để đóng góp vào đây để cúng cho các cụ. Nhà nào cũng có gia tiên ở đây, cầu mong cho cả năm mọi người mạnh khỏe bình an, làm ăn phát đạt, con cháu học hành tiến bộ. Đây là truyền thống trách nhiệm, không phải bảo người ta cũng đem đến”.

Sau khi hóa vàng và cả làng cùng ăn cỗ, các gia đình sẽ đón gia tiên về nhà ăn Tết. Phong tục của người Dao Thanh Phán là ăn Tết từ các gia đình được đặt bàn thờ để thờ cúng tổ tiên trong dòng họ - gọi là nhà lớn, sau đó mới đến các gia đình nhỏ hơn- nhà chòi. Nếu chưa có Tết ở nhà lớn thì xem như ngày Tết không có ý nghĩa. Tùy vào công việc dịp cuối năm, các nhà lớn sẽ tổ chức trong khoảng từ ngày 15 đến khoảng ngày 25 tháng Chạp.

Cả gia đình cùng vào bếp nấu nướng, chuẩn bị cho lễ cúng cuối năm.

Sau Tết ở nhà lớn, các nhà chòi sẽ chọn một ngày đón Tết riêng dành cho gia đình mình, nhưng thường chỉ ăn đến ngày 30 tháng Chạp là xong. Trong giờ khắc giao thừa, người con trai đã được cấp sắc trong nhà sẽ sắp mâm cúng, có khi đơn giản chỉ là con gà, bát nước. Giờ đây, người Dao Thanh Phán vẫn giữ tục gõ trống, gõ mõ, tạo nên âm thanh vang vọng khắp đất trời, gửi gắm trong đó lời cầu may mắn, lộc tài.

Đầu năm, người Dao Thanh Phán không kiêng kỵ gì trong việc xông nhà, xông đất. Sáng mùng Một, đàn ông trong bản tập trung về nhà trưởng thắp hương, uống chén rượu nồng chúc mừng năm mới. "Đây cũng là dịp để phụ nữ Dao khoe những bộ quần áo mới do chính tay mình chăm chút, khéo léo thêu cả năm ròng, nam nữ thanh niên dập dìu vui như ngày hội, tới các nhà chúc Tết cụ già, mừng tuổi em nhỏ"- chị Bàn Thị Vân chia sẻ.

Ngày Tết là dịp để các gia đình tụ họp, hướng về gia tiên và thần linh.

Từ khoảng mùng 5, mùng 6, các gia đình hóa vàng tiễn tổ tiên, rồi bắt đầu một năm làm việc mới, cái cuốc, con dao lên nương, người đi xa cũng lên đường. Với người Dao Thanh Phán ở Tân Dân, mùa xuân này thật sự là một mùa xuân mới. Quê hương huyện Hoành Bồ trước kia nay đã sáp nhập với thành phố Hạ Long. "Là người thành phố", như ông Dương Du Minh chia sẻ: "Vẫn phải nhớ, phải giữ gìn những phong tục tốt đẹp từ bao đời, để cùng đóng góp vào kho tàng văn hóa truyền thống chung của các dân tộc anh em quê mình"./.