Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, cùng với huy động một lực lương lớn tàu thuyền, vũ khí trang bị phục vụ nhiệm vụ giải phóng và tiếp quản các căn cứ ven biển và các đảo gần bờ, thực hiện mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương và Bộ quốc phòng, Hải quân nhân dân Việt Nam đã phối hợp với một bộ phận lực lượng vũ trang quân khu 5, tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, lập nên chiến công có ý nghĩa chiến lược, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn, vĩ đại của dân tộc.

Kết thúc Chiến dịch mùa Xuân 1975, Quân chủng Hải quân được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, 4 tập thể được tuyên dương “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, nhiều tập và cá nhân được trao tặng huân, huy chương các loại.

Phóng viên VOV online phỏng vấn Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Hải quânvề những chiến công của lực lượng Hải quân khi giải phóng Trường Sa và diện mạo huyện đảo ngày nay.

hai-quan1.jpg

Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương tới thăm chiến sỹ đảo Cô Lin

PV:Xin Chuẩn Đô đốc cho biết những đóng góp của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam đối với việc giải phóng quần đảo Trường Sa mùa Xuân 1975?

Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương: Cách đây 39 năm, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, cùng với các binh đoàn tiến về Sài Gòn để giải phóng đất nước, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân được giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng giải phóng Trường Sa, một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương, mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân đã tổ chức lực lượng, bao gồm đặc công nước, các lực lượng tàu của Lữ đoàn 125 Hải quân, phối hợp với một bộ phận của lực lượng vũ trang của Quân khu 5, bí mật, bất ngờ tiến công giải phóng Trường Sa.

Trận đánh đầu tiên diễn ra trên quần đảo Trường Sa đó là trận tiến công giải phóng đảo Song Tử Tây. Sau vài giờ chiến đấu, lực lượng của ta đã đã làm chủ đảo Song Tử Tây từ tay ngụy quyền Sài Gòn. Tiếp đó là cuộc tiến công giải phóng đảo Sơn Ca. Cũng trong vài giờ chiến đấu, lực lượng Hải quân đã đánh chiếm và giải phóng đảo Sơn Ca.

Khi đảo Song Từ Tây và đảo Sơn Ca được giải phóng, hệ thống phòng thủ của lực lượng của ngụy quyền Sài Gòn đóng trên các đảo còn lại bị tan rã và chúng ta tiếp quản 5 đảo nổi trên quần đảo Trường Sa. Đây là chiến thắng mang ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần giải phóng toàn vẹn đất nước.

Gần 40 năm qua, kế thừa kết quả đó, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng cũng như nhân dân cả nước, quần đảo Trường Sa đã ngày càng vững mạnh và phát triển. Từ 5 đảo nổi chúng ta giải phóng từ tay ngụy quyền Sài Gòn, cho đến nay, chúng ta đã tiếp tục đóng giữ trên 21 đảo và 33 điểm đóng quân.

Một phần đảo Sơn Ca ngày nay

PV:Thưa Chuẩn Đôc đốc, diện mạo của Trường Sa đã có những thay đổi như thế nào sau 39 năm giải phóng?

Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương: Sau 39 năm, huyện đảo Trường Sa đã và đang đổi mới từng ngày, lớn lên cùng với sự phát triển của đất nước. Chúng ta có thể dễ dàng thấy sự thay đổi của Trường Sa trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh.

Về mặt chính trị, có thể thấy hệ thống chính trị từ Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị trấn, các xã đã được củng cố và kiện toàn. Đội ngũ cán bộ, công chức của huyện ngày càng được đào tạo cơ bản, có năng lực, kinh nghiệm, gắn bó với nhân dân; chỉ đạo, điều hành các hoạt động của huyện cũng như thị trấn, các xã trên đảo ngày một hiệu quả hơn.

Đảo Đá Tây B

Về kinh tế, xã hội, có thể thấy Trường Sa đã và đang đổi mới và phát triển một cách vững chắc hơn. Ở Trường Sa đã có những cơ sở để bảo đảm cho ngư dân vươn khơi bám biển như âu tàu để tàu thuyền neo đậu và tránh bão, các cơ sở đảm bảo hậu cần, kỹ thuật... Chính những cơ sở này đã tạo điều kiện giúp đỡ không những cho ngư dân ở Trường Sa, mà còn là chỗ dựa để ngư dân các tỉnh ven biển yên tâm vươn khơi bám biển để đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, làm giàu cho đất nước.

Về văn hóa – xã hội, đây là lĩnh vực có thể dễ dàng nhận thấy nhất. Tại các đảo đã có những công trình văn hóa, kể cả các công trình tâm linh, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, trùng tu các ngôi chùa đã có từ trước…

Vấn đề điện, trường học, bệnh xá trên các đảo cũng được củng cố và nâng cấp. Đội ngũ bác sỹ, giáo viên ngày càng được đào tạo cơ bản, có trình độ năng lực, nhiệt huyết với công việc của mình. Trên các đảo cũng đã được phủ sóng điện thoại, sóng phát thanh, truyền hình…

Về quốc phòng – an ninh, thế đứng của chúng ta hôm nay trên Trường Sa đã và đang đổi mới và được củng cố vững chắc.

Những công dân nhỏ tuổi trên thị trấn Trường Sa

PV:Phát huy những thành quả đã đạt được trong suốt 39 năm qua, Hải quân Việt Nam đã và đang quyết tâm như thế nào để giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, thưa Chuẩn Đô đốc?

Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương: Được giao nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển đảo nói chung, đặc biệt là quần đảo Trường Sa nói riêng, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ của Hải quân nhân dân trong 39 năm qua đã nỗ lực hết sức mình, vượt qua mọi khóa khăn gian khổ, luôn sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ đảo trong mọi tình huống.

Để giữ vững chủ quyền quần đảo trong điều kiện hiện nay cần đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Đối với Hải quân, trực tiếp là các lực lượng đang làm nhiệm vụ trên các đảo, cần phải tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đẩy mạnh huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và các mặt công tác bảo đảm; làm tốt công tác phối hợp hiệp đồng, đồng thời xây dựng mỗi hòn đảo thực sự mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực trong quan hệ quân dân.

PV:Xin cảm ơn Chuẩn Đô đốc!./.