Sáng 25/3, Bảo tàng Công Binh (Hà Nội) đã khai mạc triển lãm "Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh vì cuộc sống bình yên". Triển lãm do cơ quan Thường trực Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (Chương trình 504) tổ chức, nhằm hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bom mìn 4/4.

Mặc dù chiến tranh đã qua từ lâu nhưng đất nước và con người Việt Nam vẫn phải hứng chịu nhiều thiệt hại và ảnh hưởng nặng nề. Trong đó hàng trăm nghìn tấn bom đạn còn sót lại do số lượng lớn bom, mìn, đạn dược mà quân đội ngoại xâm đã sử dụng, hàng ngày đã và đang gây ra những thương vong thương tâm, tạo thêm gánh nặng cho gia đình và xã hội Việt Nam.

Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân, Phó trưởng tiểu ban thường trực Tiểu ban tuyên truyền nhấn mạnh: "Hậu quả bom mìn là một vấn đề xã hội rất lớn đối với nước ta, đè nặng lên các địa phương trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền Trung nhiều năm nay chịu đựng hậu quả khốc liệt của bom mìn còn sót lại”.

Ông Nguyên cho biết, với tiến độ như hiện nay thì khoảng 300 năm nữa, Việt Nam mới có thể giải quyết được hậu quả mà bom mìn để lại sau chiến tranh. Nhưng nếu chương trình 504 đi vào cuộc sống thì có thể rút ngắn thời gian xuống còn 100, hay thâm chí là 70 năm. Vì vậy việc phối kết hợp giữa Đảng, Nhà nước, Chính phủ, nhân dân, các bộ ngành địa phương và của toàn xã hội, cùng với sự hợp tác của cộng đồng Quốc tế trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn do chiến tranh để lại là vô cùng quan trọng.

Triển lãm trưng bày hàng nghìn hiện vật, hình ảnh, tư liệu về bom mìn và cuộc chiến khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, góp phần ca ngợi kết quả, tôn vinh các tập thể, nhấn mạnh vai trò của bộ đội công binh và định hướng, huy động sức mạnh cộng đồng tham gia khắc phục hậu quả bom mìn.

Lần đầu tiên được nhìn thấy những hiện vật tại triển lãm, em Nguyễn Minh Đức, học sinh lớp 6A2, trường THCS Chu Văn An chia sẻ: “Em cảm thấy triển lãm rất bổ ích và thú vị. Qua những hình ảnh và hiện vật như thế này em có thể cảm nhận được những đau thương, mất mát cũng như sự anh dũng của quân và dân ta trong chiến tranh. Mặc dù chiến tranh đã qua đi nhưng đâu đó vẫn còn sót rất nhiều trái bom của kẻ thùi. Sự quả cảm của các chiến sĩ dò phá bom mìn thực sự rất có ý nghĩa”.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 5/4/2013./.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ sau chiến tranh đến năm 2000 cả nước đã có hơn 100.000 người bị chết và bị thương do bom mìn sót lại sau chiến tranh, bình quân mỗi năm khoảng 4.000 người. Trong đó, phần lớn là người lao động chính trong gia đình và hơn 30.000 trẻ em đã chết.

Ở nước ta, diện tích đất bị ô nhiễm bom, mìn còn rất lớn, chiếm tới hơn 20% diện tích cả nước. Điều này gây cảm giác bất an khi canh tác trên diện tích đất đai còn ô nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn bởi chất nổ, chất cháy, chất có hại có trong bom mìn rải rác ở nhiêu nơi, gây nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân, cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (Chương trình 504) là chương trình với mục tiêu rà phá làm sạch bom mìn và hỗ trợ nạn nhân bom mìn trên quy mô rộng.

Sau gần 3 năm thực hiện, chương trình đã thu được những kết quả đáng kể: hoàn thành điều tra lập bản đồ ô nhiễm bom mìn 49/63 tỉnh thành, bình quân mỗi năm hàng trăm nghìn hecta đất đai được rà phá, đưa vào canh tác, gắn kết sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức để khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh...

Một số hình ảnh trong triển lãm:
8.jpg
Triển lãm trưng bày nhiều hiện vật về bom, mìn
Đuôi bom từ trường
Hàng trăm viên đạn được trưng bày
Bom bi quả dứa CBU 2A/A
Những nạn nhân của bom, mìn còn sót lại sau thời chiến
Các em học sinh tham quan, tìm hiểu về các hình ảnh, hiện vật, tư liệu trong triển lãm
Hoa hậu Việt Nam 2010 Ngọc Hân tham quan tại triển lãm