Mỗi năm, Việt Nam có hơn 560.000 gia đình rơi vào cảnh nghèo đói do phải tự chi trả viện phí. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Công bằng sức khỏe tại Việt Nam” diễn ra sáng 15/10, tại Hà Nội do Viện nghiên cứu về các vấn đề phát triển xã hội, Trung tâm nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng, Trung tâm sáng kiến về dân số và sức khỏe và trường Đại học Y Hà Nội phối hợp tổ chức.   

benh-vienmat.jpg
Xếp hàng mua thuốc tại Bệnh viện Mắt Trung ương (ảnh: Thu Thủy)

Theo báo cáo của nhóm Hành động Công bằng sức khỏe, nước ta vẫn có sự mất công bằng giữa các nhóm kinh tế xã hội về nhiều khía cạnh y tế, sức khỏe với các mức độ khác nhau. Trong đó, phạm vi bao phủ bảo hiểm y tế và bao phủ tài chính cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe vẫn còn nhiều hạn chế.

Mỗi năm, có tới hơn 860.000 gia đình phải trả chi phí y tế do thảm họa gây ra và 560.000 gia đình rơi vào cảnh đói nghèo do phải tự chi trả viện phí. Chi phí y tế mà các gia đình phải tự trả là chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ công bằng của hệ thống y tế. Tuy nhiên, hệ thống chỉ số và phương pháp đo lường công bằng sức khỏe chưa được thể hiện rõ trong các báo cáo của ngành y tế.

Các chuyên gia tham dự hội thảo cũng cho rằng, để đạt được mục tiêu sức khỏe và công bằng, cần đổi mới hệ thống y tế, sử dụng các phương pháp hệ thống có khả năng hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan tới năng lực và hoạt động của 6 thành phần trong hệ thống y tế gồm: quản trị, cung cấp dịch vụ, tài chính, nguồn nhân lực, thông tin và các sản phẩm y tế.

Cải thiện chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người, trong đó tập trung đặc biệt tới người nghèo, cận nghèo, người dân vùng nông thôn và dân tộc thiểu số./.