Đã qua 2 ngày, 2 đêm kể từ lúc xảy ra vụ sập đường hầm dẫn nước công trình Thủy điện Đạ Dâng- Đạ Chomo, ở thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Đến thời điểm này, lực lượng cứu hộ đã khoan cùng lúc nhiều mũi khoan tại 3 địa điểm khác nhau. Trong đó mũi khoan thứ 2 tại cửa hầm trước đã có thể đưa đường ống vào để bơm nước ra. 12 công nhân mắc kẹt được cho là đang có sức khỏe ổn định. Công tác cứu hộ đang diễn ra rất khẩn trương suốt ngày đêm.

trang_dem_7_gxyb.jpg
Nhóm kỹ sư, công nhân lên đường vào hầm đối ca (Ảnh: Thế Thắng)
3 giờ sáng, ở trước cửa hầm chính, nhóm kỹ sư, công nhân Nhà máy Thủy điện Yan Tann Sen (Thủy điện Cao Nguyên Sông Đà 7) tiến hành đổi ca. Anh Nguyễn Văn Vũ, cán bộ Nhà máy cho biết, Nhà máy đã cử lực lượng đến tham gia công tác cứu hộ ngay từ đầu với nhiệm vụ đảm bảo vận hành hệ thống điện, máy móc và một số cơ sở vật chất khác phối hợp với các lực lượng cứu hộ. Đã 2 đêm gần như thức trắng, nhưng mọi người đều miệt mài với công việc, những mong sớm đưa được những đồng nghiệp đang mắc kẹt trong hầm sâu ra an toàn.

Anh Nguyễn Văn Vũ nói: “Trực đêm tăng cường bên này, đơn vị yêu cầu hỗ trợ tất cả mọi mặt và đầy đủ quân số những lúc cần thiết, tăng ca bình thường và sẵn sàng bất cứ lúc nào. Mỗi đêm 2 ca để đảm bảo quân số và sức khỏe…”

Ở ngoài cửa hầm, nhiệt độ lúc gần sáng xuống dưới 14 độ C. Từng đống lửa được đốt lên, sưởi ấm những cán bộ, chiến sỹ trực sẵn sàng đổi ca cho các đồng nghiệp đang làm nhiệm vụ trong hầm sâu. Thiếu tá Đỗ Việt Phong, cán bộ phụ trách tác huấn của Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 7) - chỉ huy lực lượng tăng cường tham gia công tác cứu hộ luôn hướng mắt về phía cửa hầm. Ông lo lắng: “Nước trong hầm, nơi 12 công nhân mắc kẹt ngập sâu hơn 1 mét, chắc họ dầm nước lạnh lắm. May là mũi khoan thứ 2 đã có thể thông đường ống, hạn chế mực nước dâng cao”.

Thiếu tá Đỗ Việt Phong cũng khẳng định: “Cán bộ, chiến sỹ chúng tôi với tinh thần quyết tâm cùng với các lực lượng khác tham gia cứu hộ bằng mọi cách sớm nhất giải thoát được cho những người đang kẹt trong hầm. Chúng tôi tham gia mỗi ca từ 5-6 người, mỗi ca từ 2-3 tiếng, làm việc liên tục. Chúng tôi đã tính đến việc vừa hoàn thành nhiệm vụ tốt vừa đảm bảo sức khỏe anh em, hết ca động viên anh em nghỉ ngơi, có bác sỹ đi cùng chăm sóc. Quyết tâm và mong muốn đưa được những người trong hầm ra càng sớm càng tốt”.

Từ chiều qua, nhiều người thân của 12 công nhân gặp nạn cũng đã vượt hàng nghìn cây số đến điểm sập hầm đường ống dẫn nước Thủy điện Đạ Dâng- Đạ Chomo. Trong đêm, dù biết người thân chỉ mắc kẹt, khả năng an toàn cao, và đã được chính quyền địa phương bố trí nơi ở, nhưng họ vẫn rất lo lắng. Nhiều người cũng thức trắng đêm chờ đón tin người thân từ cửa hầm. Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định, công tác cứu hộ được các lực lượng tiến hành hết sức khẩn trương. Cùng đó, công tác phục vụ cũng triển khai chu đáo, bởi việc cứu hộ có thể kéo dài. “Ở ngoài hầm này, những người thân của nạn nhân cũng như các lực lượng khác đều được phục vụ như nhau, tất cả đều được chính quyền địa phương, trực tiếp là huyện Lạc Dương và các sở, ngành quan tâm phục vụ tốt...”, ông Yên nói.

Dù công việc được triển khai hết sức khẩn trương nhưng do nền đất yếu, vị trí sạt lở chủ yếu là cát lẫn đá mồ côi nên công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Ngay từ hôm qua, một nhóm lực lượng cứu hộ cũng đã tiến hành khoan lỗ lớn từ đỉnh núi xuống sâu khoảng 70 mét để thông hơi và có thể cấp quần áo cho những người bị nạn. Từ cửa hầm phía hạ lưu, một mũi khoan khác cũng đang được tiến hành khẩn trương. Đây là những giải pháp trước mắt nhằm giúp 12 công nhân bị nạn duy trì sự sống để có thể chờ đến lúc giải thoát an toàn./.

Triển khai mũi khoan thứ 3 từ điểm sụt đất (phía cửa hầm chính) (Ảnh: Thế Thắng)

Lực lượng trực sẵn sàng ở ngoài cửa hầm đốt lửa chống lạnh (Ảnh: Thế Thắng)

Phút nghỉ ngơi của các chiến sĩ tham gia cứu hộ (Ảnh: Thế Thắng)