Giữa tháng 2 được xem là giai đoạn cao điểm của công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi số lượng F0 trên địa bàn Hà Nội nói chung và phường Láng Hạ (Đống Đa) nói riêng luôn đạt đỉnh. Thời điểm đó, khối lượng công việc đối với trạm y tế lưu động và lực lượng phòng chống dịch của phường diễn ra rất căng thẳng. Đoàn thanh niên phường đã giới thiệu những đoàn viên ưu tú nhiệt tình có chuyên môn và được học tập về lĩnh vực y tế để tham gia vào trạm y tế lưu động.
Nguyễn Ngọc Ánh là sinh viên năm nhất trường Cao đẳng y tế Bạch Mai, cũng là thành viên tích cực trong Đoàn TNCS HCM phường Láng Hạ. Ngay từ ngày trạm y tế lưu động phường Láng Hạ thành lập (cuối tháng 12/2021), khi nhận được lời mời hỗ trợ tham gia công việc tại trạm y tế lưu động phường, Ánh đã đồng ý ngay. Tại trạm, Ánh đảm nhận công việc tư vấn chăm sóc F0 qua điện thoại và test cho bệnh nhân mắc Covid-19.
Nhớ lại những ngày đầu vừa tham gia công việc tại trạm y tế lưu động, Ánh kể: “Lúc đấy em cảm thấy căng thẳng lắm bởi bản thân mình là sinh viên năm nhất ngành Y chưa có kinh nghiệm, không có chuyên môn. Thế nhưng mất một khoảng thời gian quan sát và học hỏi, đồng thời được các anh chị tại trạm hướng dẫn lấy mẫu, thì sau 2-3 tuần em đã có thể tự tin lấy mẫu bệnh phẩm cho bệnh nhân và làm các công việc liên quan khác”.
Trong những ngày Hà Nội rơi vào đỉnh dịch khi số ca bệnh lên tới 30.000 ca mỗi ngày, phường Láng Hạ cũng không tránh khỏi tình trạng đó. Vào khoảng tháng 2, mỗi ngày phường Láng Hạ có tới 200-300 ca/ngày, lực lượng y tế mỏng, mọi người phải thay phiên nhau trực và xét nghiệm cho F0 mới, vừa xác nhận cho F0 đã đủ thời hạn cách ly theo quy định.
“Một ngày bọn em chia ra 2 buổi, sáng thì test cho F0 mới, chiều test cho F0 khỏi bệnh nên khoảng thời gian nghỉ ngơi rất ít ỏi”, Ánh tâm sự.
Làm việc tại trạm y tế lưu động, có những đêm nhận được cuộc điện thoại của bệnh nhân gọi tới số đường dây nóng, Ánh cùng ca trực nhanh chóng xác nhận thông tin người bệnh gọi tới.
“Nhiều hôm có người nhà của bệnh nhân là những người già có bệnh nền mắc Covid-19 gọi tới kêu khó thở. Lúc đó, chúng em sẽ gọi zalo để kiểm tra tình hình bệnh nhân trước, sau đó hướng dẫn họ tập thở. Nếu thấy tình hình không quả quan thì sẽ tới tận nhà để hỗ trợ kiểm tra bằng máy SpO2 của trạm, đo huyết áp cho bệnh nhân thở oxy và liên hệ bệnh viện để bệnh nhân được chuyển điều trị”, Ánh nói.
Mặc dù là sinh viên năm nhất, chưa được va vấp nhiều với chuyên môn, nhưng với Ánh những ngày được làm việc tại trạm y tế lưu động là những ngày ý nghĩa. Và đằng sau mỗi ca bệnh khi đã cứu giúp cho người dân trong lúc nguy kịch là lúc tiếp thêm sức mạnh cho em thêm yêu nghề và cố gắng học tập hơn nữa.
“Thời gian làm việc ở trạm tuy không không phải là dài nhưng đây là khoảng thời gian với em cực kỳ ý nghĩa. Em thấy bản thân mình biết nghề sớm hơn, trưởng thành hơn so với các bạn đồng trang lứa. Đặc biệt bản thân em thấy rất tự hào, bởi đằng sau những ngày vất vả nhận được lời phản ánh lại của bà con nhân dân gửi lời cảm ơn tới lực lượng y tế, em thấy vui bởi có chút công sức của mình ở trong đó”, Ánh chia sẻ.
Cũng như Ánh, Nguyễn Đức Khương cũng tham gia hỗ trợ công việc tại trạm y tế lưu động phường Láng Hạ theo lời mời của một người bạn đang làm việc ở đây. Lúc đó Khương vừa ra trường đang trong quá trình tìm việc, khi nhận được thông tin đó Khương đã đồng ý đi ngay.
Nhà Khương ở tận Long Biên, mỗi ngày bạn phải di chuyển hơn 50 phút để đến nơi làm việc. Một ngày làm việc của Khương tại trạm y tế lưu động thường kéo dài từ 8h sáng cho đến 6h tối, có khi phải trực 24/24. Công việc mỗi ngày của Khương là trực đường dây nóng, lên danh sách bệnh nhân đủ ngày cách ly và hẹn bệnh nhân đã khỏi bệnh đến test. Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng cũng khiến bạn trẻ vừa ra trường cảm thấy khá căng thẳng.
“Những ngày đỉnh dịch, số ca bệnh mắc covid-19 liên tục tăng cao. Đã có lúc em cảm thấy stress bởi số lượng người dân đến lấy mẫu rất đông. Thế nhưng trải qua 1-2 ngày làm việc, em thấy quen dần với công việc và có thể chịu được áp lực cao hơn nữa”, Khương chia sẻ.
Công việc bận rộn liên tay liên chân là thế nhưng với Khương “việc được tham gia tình nguyện tại trạm y tế lưu động phường Láng Hạ là một việc ý nghĩa và tự hào khi mình được góp một phần nhỏ sức lực cho quận Đống Đa, cho phường Láng Hạ. Đây như là một sự trải nghiệm lớn đối với em khi vừa ra trường được tham gia điều trị và chăm sóc F0 tại nhà, góp phần giảm tải được bệnh nhân khi dịch bệnh tăng cao”, Khương chia sẻ.
Theo anh Nguyễn Đức Anh – Bí thư Đoàn TNCS HCM phường Láng Hạ, ngay từ những ngày đầu tiên khi có quyết định của cơ quan cấp trên về việc thành lập trạm y tế lưu động tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP. Hà Nội, đoàn thanh niên là một lực lượng nòng cốt tham gia phòng chống dịch của phường. Các bạn là những người có sức khỏe, có trình độ và sự nhiệt huyết, là lực lượng rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch ở phường Láng Hạ nói riêng và trên địa bàn Hà Nội nói chung.
“Công việc của các bạn diễn ra thường xuyên và liên tục không kể ngày đêm. Khi nhận được những trường hợp cần cấp cứu, những trường hợp cần cung cấp oxy, các bạn sẽ lên đường bất kể thời gian nào. Ngoài ra, hằng ngày các bạn sẽ nhận thông tin những ca F0 được khai báo qua mạng để tiến hành tổng hợp, gửi thông tin về UBND phường để ra quyết định cách ly đối với trường hợp đó. Sau đó tham test những trường hợp F0 đã khỏi bệnh, đủ thời gian cách ly và điều trị tại nhà theo quy định”, anh Nguyễn Đức Anh – Bí thư Đoàn TNCS phường Láng Hạ cho biết.
Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, cùng những kiến thức được trang bị trên ghế nhà trường đã góp phần rất lớn trong việc hỗ trợ lực luyện tuyến đầu trong công tác giảm tải số lượng F0, chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân mắc virus SARS-CoV-2. Đến thời điểm này, phường Láng Hạ đã kiểm soát được dịch Covid-19./.