Để xây dựng thành phố thông minh, TP.HCM đề ra 4 mục tiêu tổng quát là: Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số; Quản lý đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; Nâng cao chất lượng môi trường sống, làm việc; và tăng cường sự tham gia quản lý của người dân.

Theo đó, chính quyền thành phố luôn lắng nghe, nắm bắt và phục vụ kịp thời các nguyện vọng và nhu cầu của người dân, đảm bảo cung cấp các tiện ích, các dữ liệu hỗ trợ người dân ra quyết định.

thanh_pho_thong_minh_bhks.jpg
Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các chuyên gia tại lễ công bố đề án

Mục tiêu thành phố đề ra là cả 4 chủ thể là: chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và mọi tầng lớp nhân dân đều được hưởng lợi từ việc ứng dụng công nghệ.

Cũng theo nội dung đề án, đến năm 2025, TP.HCM sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm của đô thị. Người dân sẽ có chất lượng sống tốt, được phục vụ tốt và có thể tham gia vào quá trình giám sát, quản lý và xây dựng thành phố.

Thực hiện các lộ trình này, TP.HCM đã xây dựng hệ thống quản lý tiếp nhận thông tin phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị (qua đầu số 1022), xây dựng trung tâm giám sát và điều khiển giao thông tập trung, các đề án quản lý truy xuất nguồn gốc thịt heo, thí điểm quản lý an ninh trật tự, công khai thông tin quy hoạch trên mạng Internet…

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân - Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành uỷ TP.HCM - Trưởng ban chỉ đạo đề án xây dựng thành phố thông minh cho biết, để có thành phố thông minh thì chính quyền, doanh nghiệp, người dân đều phải thông minh. Thành phố phải dự báo, phải lường trước được những diễn biến có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nói: “Xây dựng thành phố thông minh là phải có tầm nhìn: Lãnh đạo có tầm nhìn, doanh nghiệp có tầm nhìn, mà người dân cũng có tầm nhìn về sứ mạng của mình. Nhìn dài hạn hơn. Nói thành phố thông minh là phải đạt hiệu quả cao. Làm thế nào để kết hợp các nguồn lực, tích hợp các nguồn lực, liên kết lại để đạt hiệu quả cao hơn trong khi từng nguồn lực vẫn không thay đổi….”./.