Các nhà hoạch định chính sách đang tìm giải pháp cho các vấn đề liên quan đến quá trình đô thị hoá. Một trong những giải pháp là xây dựng thành phố thông minh (TPTM), cũng còn được gọi là thành phố sinh thái…
Thành phố thông minh với nhiều lợi ích
Khái niệm đô thị thông minh có thể được hiểu đầy đủ là thành phố sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để được thông minh hơn và hiệu quả trong việc sử dụng các nguồn lực, nhằm mục tiêu tiết kiệm chi phí và năng lượng, cải thiện cung cấp dịch vụ và chất lượng cuộc sống, giảm thiểu gây hại môi trường.
TPTM là những thành phố mà ở đó công nghệ thông tin và truyền thông được ứng dụng vào mọi hoạt động đem lại hiệu quả cao trong quản lý hành chính, trong phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông, xã hội và cộng đồng. TPTM được hiểu là sự hội tụ của 3 yếu tố gồm hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vững và môi trường sống thân thiện.
Trên thế giới hiện có khoảng hơn 100 thành phố đã triển khai phát triển đô thị thông minh ở các cấp độ khác nhau. (Ảnh minh họa: KT) |
Trên thế giới hiện có khoảng hơn 100 thành phố đã triển khai phát triển đô thị thông minh ở các cấp độ khác nhau. Theo tính toán của Telefonica, một TPTM sẽ tiết kiệm được 5% lượng tiêu thụ, giảm được 1% lượng điện tiêu thụ, giảm 17% lượng khí thải CO2 và giảm gần 25% về nhu cầu giao thông vận tải.
Nếu đặt ra bài toán về kinh tế, nguồn thu từ TPTM cũng đầy hứa hẹn dù chi phí đầu tư cho TPTM trên toàn thế giới năm 2010 lên đến 8 tỷ USD và đến năm 2020 tổng nguồn đầu tư lũy kế sẽ là 108 tỷ USD. Nguyên nhân vì TPTM sẽ đem lại doanh thu khổng lồ từ dịch vụ. Dự báo từ năm 2012 đến 2020, tổng doanh thu lũy kế mà TPTM mang lại lên đến 115 tỷ USD.
Thành phố, đô thị thông minh còn được biết đến với tên gọi là thành phố kỹ thuật số, cộng đồng điện tử, thành phố thông tin, thành phố dựa trên nền tảng tri thức... Tập đoàn thiết kế kiến trúc nổi tiếng của Anh - Arup dự toán rằng, vào năm 2020 chi phí toàn cầu cho các dịch vụ đô thị thông minh là 400 tỷ USD mỗi năm.
Theo Viện Công nghệ New Jersey (Mỹ), những tiến bộ công nghệ đang nhanh chóng mở đường cho nhiều TPTM ra đời. Công nghệ TPTM sẽ thúc đẩy tạo ra ngành công nghiệp có trị giá ước khoảng 27,5 tỷ USD vào năm 2023, ra đời 88 TPTM vào năm 2025.
Ngoài những lợi thế như đề cập, thành phố thông minh còn thoả mãn nhu cầu về đô thị hoá, dân số lẫn tiến độ lão hóa tăng nhanh như hiện nay. Ngoài ra, thành phố thông minh còn là giải pháp làm tăng chất lượng cuộc sống và hạnh phúc, cải thiện công việc nội trợ cho phụ nữ, giúp họ có thêm nhiều thời gian nghỉ ngơi, giải trí....
Những bài toán chưa có lời giải
Hiện nay, các thành phố tạm được chấp nhận là TPTM có một số đặc điểm khá giống nhau. Đó là những thành phố xây dựng hoàn toàn mới trên những vùng đất mới không có người ở. Diện tích nhỏ, dân số ít là một ưu thế quan trọng cho việc quản lý và kiểm soát.
Sau hơn 10 năm triển khai TPTM đã gặp rất nhiều trắc trở, bởi một thực tế không phải bao giờ công nghệ - kỹ thuật cũng tương thích hài hoà với đời sống xã hội - nhân văn, đặc biệt khi mở rộng nội hàm “kỹ thuật thông minh” sang “thông minh xã hội” (quản trị, quy hoạch, công dân thông minh) thì có quá nhiều vấn đề.
Trong khi chính quyền nhiều thành phố trên thế giới và ngành công nghiệp công nghệ hào hứng với xu hướng TPTM, thì lại nổi lên mối lo ngại về mặt trái mà công nghệ TPTM có thể mang lại. Nhiều người lo ngại, TPTM cực kỳ phức tạp về kỹ thuật, một khi không có sự kiểm soát tốt sẽ mang lại những rủi ro khủng khiếp.
Chẳng hạn, hệ thống nhận diện khuôn mặt có thể bị lạm dụng dẫn tới vi phạm quyền riêng tư, cũng có thể bị lạm dụng cho mục đích mờ ám nào đấy. Nhiều nhà nghiên cứu xã hội khác cũng bày tỏ những mối quan ngại tương tự đối với các công nghệ TPTM, và chính quyền một số thành phố đã phải tìm cách trấn an người dân, cam kết cảm biến và các hệ thống thông minh khác sẽ không bị lợi dụng để xâm phạm sự riêng tư của mọi người.
Ngoài ra, còn phải kể đến mối lo lệ thuộc vào công nghệ, biến con người thành nô lệ, nhẹ thì nghiện các thiết bị giải trí như hiện nay và nặng thì chưa lường hết một khi trí tuệ nhân tạo lên ngôi.
Tuy nhiên, thực tế cũng đã chứng minh phát triển đô thị thông minh một cách thiếu bài bản cũng chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho cuộc sống của người dân và hoạt động của đô thị. Trên thực tế, mô hình đô thị thông minh không chỉ có toàn ưu điểm, mô hình này tiềm ẩn nhiều nhược điểm và hạn chế cần phải thận trọng khi xem xét áp dụng.
Ở TPTM, dường như tất cả các thông tin cơ bản của cá nhân, gia đình và các tổ chức được lưu trữ ở một trung tâm nhằm phục vụ cho các hoạt động dân sinh như an ninh, thuế, việc làm, cư trú... Khả năng bị rò rỉ do lỗi kỹ thuật, do thông tin bị bán ra ngoài, bị dùng vào việc xấu là hoàn toàn có thể. Các thông tin này có thể được dùng cho kinh doanh đen, khủng bố, khai thác vào việc hãm hại lẫn nhau.
TPTM không cần nhiều lao động, rất nhiều lực lượng lao động mất việc, chẳng hạn như cảnh sát giao thông, cảnh sát du lịch. Điều này khiến cho thất nghiệp tăng rất cao, thị trường lao động dôi dư, dẫn đến các tệ nạn xã hội nảy sinh; phúc lợi xã hội phải gánh rất nặng.
Đồng thời, vốn đầu tư cho TPTM rất lớn, nếu tính toán không cẩn thận có thể mang lại nợ nần cho quốc gia và cả người dân. Đồng thời nguy cơ lệ thuộc quá mức vào công nghệ, các phần mềm, nhất là những tập đoàn lớn như CISCO, SIEMENS, IBM... do các công nghệ rất mau lạc hậu, phải mua của họ.
Trên thế giới, người ta bắt tay vào xây các thành phố tương lai đã từ lâu rồi, nhưng có một thực tế cần ghi nhận, các quốc gia kỳ vọng vào mô hình TPTM hầu hết là ở châu Á và Trung Đông như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam, UAE… trong khi các nước Bắc Mỹ, châu Âu, Bắc Âu tỏ ra khá thờ ơ với mô hình này. Xem ra, cuộc tranh luận về TPTM vẫn chưa có hồi kết./.
Hà Nội dành 3.000 tỷ đồng để xây dựng thành phố thông minh