Cụ thể, UBND TP.HCM đề nghị tất cả cơ sở giáo dục, cá nhân, đơn vị có liên quan đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch theo quy định; triển khai thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát dịch tại cơ sở giáo dục. Không bắt buộc tất cả học sinh phải xét nghiệm Covid-19 trước khi trở lại trường để học trực tiếp, chỉ xét nghiệm đối với các trường hợp có triệu chứng nghi mắc Covid-19 hoặc có tiền sử tiếp xúc với F0.
Về việc tổ chức học bán trú, UBND thành phố yêu cầu nhà trường phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế và giáo dục, trong đó cần lưu ý bảo đảm theo nguyên tắc: Hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các học sinh trong cùng lớp và giữa các lớp; ưu tiên tổ chức ăn, ngủ, nghỉ ngay tại lớp học; học sinh ăn theo suất ăn riêng, không dùng chung các đồ dùng cá nhân; tăng cường vệ sinh, khử khuẩn theo quy định.
Về kịch bản xử lí trường hợp phát hiện nhiều F0 tại cơ sở giáo dục, UBND TP.HCM quy định rõ, nếu trong cùng một ngày, lớp học phát hiện từ 2 F0 trở lên thì Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của cơ sở giáo dục căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tiếp theo của các học sinh còn lại trong lớp.
Nếu trong cùng một ngày, cơ sở giáo dục phát hiện từ 2 lớp có F0 trở lên thì Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tiếp theo đối với học sinh của trường.
Tại buổi họp giao ban định kỳ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM chiều 22/2, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, từ ngày 14 đến 22/2, TP.HCM ghi nhận 7.505 ca nhiễm trong trường học, bao gồm 706 giáo viên và 6.799 học sinh. Trong đó, bậc mầm non 394 trẻ, bậc tiểu học là 2.786 học sinh, trung học cơ sở là 1.875 và trung học phổ thông là 1.744 học sinh. Số liệu thống kê của Sở Y tế TP.HCM cho thấy có 93% ca mắc là trẻ dưới 12 tuổi, lứa tuổi chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19./.