Hôm nay (10/6), sau 1 tuần ngưng thi công, 3,5 km đường Kinh Dương Vương trước bến xe miền Tây, thuộc phường An Lạc, quận Bình Tân đang ngổn ngang máy móc, bê tông, gạch cát. Hàng trăm cửa hàng đã phải chuyển đi nơi khác hoặc phải đóng cửa vì bụi hoặc bị đơn vị thi công xây cao từ 1m đến 1,6m, chỉ chừa lại một lối đi khoảng 40cm.

Chỉ sau hơn nửa tháng, đơn vị thi công công trình đã đổ đá cao hơn 1m và xây tường bít nhà dân. Con đường này được xây thành một cái đê, biến nhà các hộ dân thành những cái hầm. Thiết kế chống ngập của công trình này theo kiểu dồn nước từ đường này sang các con đường, hẻm xung quanh.

vov_2_fbfn.jpg
Đoạn công trình thi công chống ngập

Bà Huỳnh Thị Vân, người dân ở phường An Lạc, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Con đường này ngập nước nhiều năm nay rồi nên khi biết tin sẽ nâng đường để chống ngập thì người dân rất mừng. Vậy mà khi thi công thì không ngờ đường lại nâng cao như thế. Như nhà tôi phải đập nhà đi để làm lại đâu có phải đơn giản đâu, rất tốn kém. Tôi đang không biết lấy tiền đâu mà làm nữa".

Sinh ra và lớn lên ở phường An Lạc, quận Bình Tân, ông Nguyễn Văn Mười cho biết, sau nhiều lần làm đường, xây cống, nhưng con đường này vẫn ngập. Nguyên nhân do khu vực này thấp, lại giáp hai con kênh lớn là Tham Lương và Tân Hóa - Lò Gốm. Cống thoát nước trên tuyến đường này không thông thoáng, một số miệng cống cao nên không thoát nước được. Trong khi đó, đơn vị chống ngập chưa giải quyết được cái gốc của vấn đề là xây dựng hệ thống cống thoát nước kết nối với 2 con kênh này.

Ông Nguyễn Văn Mười nói: "Công trình làm kiểu này ảnh hưởng đến nhà dân hết. Nguyên con đường Kinh Dương Vương này. Làm đường mà giống như cái đê chắn sóng thế này là không được. Khi nước thủy triều lên, dù có nâng đường thì nó cũng tràn vào những hẻm nhỏ và vẫn ngập thôi. Tôi cho rằng, phải hạ tầng ở dưới đường hoàn chỉnh thì mỗi lần nước lên rồi mới rút nhanh được".

Câu hỏi được đặt ra là vì sao một công trình nâng 3,5 km đường với kinh phí đầu tư lên đến 300 tỷ đồng lại được thực hiện một cách vội vàng như vậy? Thậm chí, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong buổi khảo sát mới đây còn không hiểu vì sao công trình này lại được thi công khi mùa mưa đến?

 

Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố, việc nâng đường Kinh Dương Vương cao hơn nhà dân hơn một mét là xuất phát từ việc kiểm soát ngập do triều. Hiện nay, Sở Giao thông đang phối hợp với các ngành chức năng để đưa ra các phương án trên tinh thần “hài hòa giữa hạ cao độ và kết hợp kiểm soát triều cường”.

Ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập thành phố Hồ Chí Minh – Đơn vị chủ đầu tư khẳng định, công trình đã được phê duyệt, vì vậy vẫn sẽ tiếp tục làm: "Theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố thì chúng tôi sẽ cố gắng giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân. Về mặt đường thì vẫn phải giữ cái cốt và cao độ 1,2 m. Riêng đối với cao độ ở vỉa hè thì chúng tôi sẽ điều chỉnh giảm xuống để thuận tiện hơn cho việc buôn bán cũng như việc đi lại của người dân".

Về phía chính quyền địa phương, ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bình Tân cho biết, quận đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư thi công công trình. Tuy nhiên, công trình đã ảnh hưởng đến 539 hộ dân sinh sống hai bên đường, 27 cơ quan hành chính và 44 tuyến đường hẻm. Chủ đầu tư mới thiết kế chống ngập cho đường Kinh Dương Vương mà không tính toán thiết kế ảnh hưởng đến toàn bộ lưu vực dân hơn 90 ha trong quận.

Ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bình Tân nói: "Tính toán về mặt lý thuyết thì không sai, nhưng để lấy cái lý thuyết đó áp dụng cho toàn bộ công trình ở đường Kinh Dương Vương này thì tôi thấy chưa phù hợp. Ngoài việc nâng đường thì phải kết hợp thêm nhiều giải pháp khác, do đặc điểm địa hình khu vực Bình Tân rất thấp. Trong khi đó, làm đường cao như vậy mà chưa có giải pháp gì để xử lý ngập ở hai bên lưu vực đường Kinh Dương Vương này".

Trước những bức xúc của hàng trăm hộ dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo các ngành chức năng phải tìm giải pháp đồng bộ để giảm cao độ vỉa hè; phối hợp với việc bố trí mương hở, van ngăn triều, hệ thống bơm nước để giải quyết ngập cho cả lưu vực. Còn hàng ngàn hộ dân ở phường An Lạc thì đang sống trong lo lắng khi không biết liệu nhà của mình có bị biến thành hầm chứa nước?./.