Văn bản của Sở Y tế TPHCM cho biết, buổi họp với các chuyên gia của Viện Pasteur TP.HCM, Trung tâm Kiểm chuẩn xét nghiệm thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới… ngày 24/5 vừa qua đã đi đến thống nhất triển khai xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn.
Trong khi chờ Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết các điều kiện để triển khai thực hiện, Sở Y tế đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh khi triển khai xét nghiệm nhanh phải tuân thủ các điều kiện, như: Kỹ thuật lấy mẫu SARS-CoV-2 phải được thực hiện tại khu vực cách ly hoặc buồng cách ly riêng biệt. Kỹ thuật xét nghiệm nhanh phải được thực hiện trong phòng xét nghiệm, đảm bảo an toàn sinh học đối với tác nhân SARS-CoV-2 theo quy định hiện hành để tránh lây nhiễm chéo cho người và ra môi trường.
Bên cạnh đó, sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 phải được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Nhân sự thực hiện phải được tập huấn về kỹ thuật lấy mẫu và kỹ thuật xét nghiệm sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên và người lấy mẫu thực hiện kỹ thuật xét nghiệm phải tuân thủ phương tiện phòng hộ.
Xét nghiệm định kỳ cho nhân viên y tế, người chăm sóc, nhân viên phục vụ, người bệnh đang điều trị nội trú tại các khoa gồm cấp cứu, truyền nhiễm, thận nhân tạo, khoa khám bệnh của bệnh viện (không có biểu hiện lâm sàng, không trong quá trình điều trị Covid-19). Người bệnh đến các cơ sở khám, chữa bệnh cần can thiệp điều trị sớm (cấp cứu, phẫu thuật).
Đặc biệt Sở Y tế lưu ý việc xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 không áp dụng đối với trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 có yếu tố dịch tễ và biểu hiện lâm sàng. Nếu kết quả dương tính, các cơ sở khám chữa bệnh thông báo ngay cho trung tâm y tế địa bàn để triển khai sớm các biện pháp phòng chống dịch và thực hiện xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp Realtime RT-PCR. Nếu cho kết quả xét nghiệm âm tính vẫn chưa đủ cơ sở khẳng định được người xét nghiệm không mắc Covid-19 thì phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch./.