Tại Bệnh viện Chợ Rẫy– bệnh viện tuyến cuối, chịu trách nhiệm chính trong tiếp nhận, xử lý các ca cấp cứu, nhân viên y tế đang tất bật sắp xếp hồ sơ bệnh án, chuẩn bị thuốc men và máu để dự trữ cho những ngày Tết.

cap_cuu_oate.jpg
Lãnh đạo Bộ Y tế kiểm tra công tác cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy.

Hiện tại, bệnh viện Chợ Rẫy đã chuẩn bị được trên 6.000 đơn vị máu dự trữ. Với đặc thù là bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các ca tai nạn trong dịp tết, các khoa, phòng liên quan đến việc tiếp nhận cấp cứu luôn sẵn sàng. Các khoa như: Cấp cứu, Hồi sức nội, Hồi sức ngoại và Phòng mổ, đều chuẩn bị đầy đủ nhân lực và thuốc men, túi cấp cứu. 

Lực lượng nhân viên y tế tại các khoa phòng này luôn làm việc 3 ca 4 kíp như bình thường. Mỗi ca trực vẫn luôn đảm bảo số lượng như ngày thường là vào khoảng 35 người, trong đó có 9 bác sĩ. Sau mỗi ca trực, nhân viên y tế chỉ được nghỉ từ 1 đến 2 ngày, sau đó lại vào ca trực. Ngoài ra, bệnh viện cũng xây dựng một lực lượng ứng trực, sẵn sàng hỗ trợ khi có tai nạn thảm họa hay ngộ độc thực phẩm hàng loạt.

Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Việc trực Tết là công việc luôn được thực hiện hàng năm. Ngày mà người ta đi chơi thì bệnh viện luôn sẵn sàng các phương án còn hơn cả ngày thường. Ví dụ các phương án thường trực, ứng trực chuẩn bị ứng phó với tai nạn hàng loạt, dịch bệnh. Bệnh viện thực hiện trực theo 4 cấp: trực lãnh đạo, lâm sàng, cận lâm sàng và hành chính quản trị. Từng chuyên khoa đều có sẵn túi cấp cứu để khi cần thì có thể mang theo ra hiện trường”.

Bệnh viện Từ Dũ – bệnh viện sản khoa lớn nhất khu vực phía Nam cũng bố trí một lượng lớn cán bộ y tế để đảm bảo cấp cứu cho sản phụ. Trong các ngày tết, từ mùng 1 đến mùng 4, bệnh viện có 17 bác sĩ sản, 4 bác sĩ sơ sinh và 2 bác sĩ trực hình ảnh. 

Bệnh viện Từ Dũ cho biết, sẽ đảm bảo công tác cấp cứu và chăm sóc cho khoảng 180 đến 200 sản phụ trong một ngày cùng với khoảng 1.000 bệnh nhân đang nằm nội trú. Để bệnh nhân có thể kịp thời về nhà ăn tết, bộ phận làm công tác xuất viện như tài vụ, hành chính, điều dưỡng... được yêu cầu đi làm cho đến 11 giờ trưa các ngày mùng 2, mùng 4, mùng 6. Ngoài ra, để đảm bảo phục vụ người dân ngày sau tết, các phòng khám dịch vụ sẽ mở cửa hoạt động trở lại từ ngày mùng 5 Tết. 

Bác sĩ Trần Ngọc Hải, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Từ Dũ cho biết: “Đặc thù riêng của Bệnh viện Từ Dũ là trong đêm giao thừa, lãnh đạo bệnh viện đi thăm hỏi và tặng quà những sản phụ sinh con vào thời khắc giao thừa, coi như là xông đất đầu năm. Bệnh viện cũng sẽ cung cấp đầy đủ các chế độ dinh dưỡng, chăm sóc, đảm bảo môi trường an toàn, an lành để người bệnh nhanh chóng hồi phục”.

Là một trong hai bệnh viện về nhi lớn nhất ở phía Nam với lượng bệnh nhi mỗi ngày khoảng 5.000 người, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đã lên phương án trực Tết một cách cụ thể. Bệnh viện bố trí lực lượng nhân viên y tế trực 24/24 giờ ở các khu vực cấp cứu. 

Tại khu vực nội trú, bệnh viện đảm bảo mỗi ngày đều có bác sĩ đến khám lại cho bệnh nhi, nhất là các bệnh nhi nặng hoặc mới nhập viện trong vòng 24 giờ. Nếu sức khỏe các cháu ổn thì bác sĩ sẽ cho y lệnh để bệnh nhi có thể xuất viện về với gia đình cho kịp đón xuân. Đáng chú ý là Bệnh viện Nhi đồng 1 vẫn duy trì các phòng khám theo yêu cầu ngay trong những ngày tết. Trong khi đó, các phòng khám Bảo hiểm Y tế sẽ không hoạt động cho đến hết mùng 7 Tết. 

Bác sĩ Lê Bích Liên, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết:  “Các bộ phận cơ động như cấp cứu ngoại viện, phòng chống dịch bệnh vẫn trực online. Các nhóm phẫu thuật được lên danh trách dự trù để dự phòng các trường hợp tai nạn hàng loạt, ngộ độc thực phẩm. Các bộ phận hành chính vẫn bố trí nhân sự để duyệt hồ sơ xuất viện trong những ngày nghỉ Tết”.

Với những phương án và tinh thần sẵn sàng ứng trực cấp cứu cho bệnh nhân như vậy,  các bệnh viện ở TP HCM góp phần để người dân an tâm đón Tết vui xuân./.