Bài viết của tác giả Tom Rayner đăng trên website hãng tin Sky News của Anh, cho biết: Trong thời gian chiến tranh 40 năm trước, quân đội Mỹ đã rải khoảng 12 triệu gallon (tương đương khoảng gần 80 triệu lít) chất diệt cỏ độc hại xuống nhiều vùng trên đất Việt Nam. Chất diệt cỏ chứa dioxin, một trong những hóa chất độc hại nhất trong lịch sử loài người.

da_cam_1_goap.jpg
Một lính Mỹ phun chất da cam trong thời gian chiến tranh Việt Nam.
Các nhà vận động chính sách muốn Tổng thống Mỹ đến thăm một số nạn nhân trong số hàng chục ngàn nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Những nạn nhân này thuộc cả 3 thế hệ, vẫn còn phải chịu ảnh hưởng di chứng nặng nề của chất diệt cỏ mà họ hoặc ông cha họ từng tiếp xúc trong chiến tranh.

Chính phủ Mỹ đã chi trả bồi thường cho các cựu chiến binh Mỹ và gia đình của họ, những người bị các bệnh do phơi nhiễm chất độc da cam.

Nhưng các quan chức Mỹ lại liên tục phủ nhận mối liên hệ giữa việc bị phơi nhiễm các chất làm rụng lá, được sử dụng để phá hủy rừng che “Việt Cộng” ở Việt Nam hồi đó, có thể gây ra các bệnh tương tự với người Việt Nam.

Sky News đã gặp một gia đình ở ngoại thành Đà Nẵng, có 3 người con đều bị khuyết tật. Họ tin rằng chứng bệnh của các con có liên quan đến việc người cha là bộ đội Việt Nam đã bị phơi nhiễm chất da cam trong thời gian chiến tranh.

Bà Mai và hai người con. Người con trai út bại liệt bẩm sinh, chỉ nằm một chỗ.
Người mẹ, bà Nguyễn Thị Mai, cho biết con trai út của mình, 18 tuổi, bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Người con trai này bại liệt bẩm sinh, chỉ nằm một chỗ, không cử động được tay chân.

Trước kia trong gia đình tôi không có ai bị như vậy cả. Rồi tôi có 3 đứa con thì hai đứa bị khuyết tật nặng nề ", bà nói. "Chỉ có thể là do chất độc da cam."

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Hiền, cho rằng Tổng thống Obama nên ghé thăm một trong những trung tâm chăm sóc nạn nhân chất độc da cam hiện có rất nhiều trên đất nước Việt Nam để tận mắt thấy được điều bất công, phi lý ấy.

"Nếu các vị bồi thường cho các cựu chiến binh Mỹ nghĩa là các vị đã nhận thức và thừa nhận rằng những người có mặt ở chiến trường Việt Nam trong thời gian chiến tranh là nạn nhân chất độc da cam, tại sao các vị không công nhận các nạn nhân ở đây? Chúng tôi- tất cả các nạn nhân phải chịu hậu quả do cùng một nguyên nhân gây ra. Như vậy thật không công bằng”.- Bà Hiền nói.

Tuy nhiên vài năm trở lại đây Mỹ cũng có những động thái hỗ trợ Việt Nam giải quyết hậu quả của chất da cam/dioxin.

Giai đoạn đầu của Dự án khử độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng do Mỹ tài trợ đã được hoàn thành. Dự án này trị giá nhiều triệu đô la, đã giúp khử độc khoảng 45.000 mét khối đất bằng hình thức xử lý nhiệt.

Tổng thống Obama được kỳ vọng trong chuyến đi này sẽ công bố tài trợ một dự án khử độc dioxin lớn hơn tại  khu vực sân bay Biên Hòa gần thành phố Hồ Chí Minh, vốn là kho lưu trữ chất độc da cam thời chiến tranh.

Khu vực Sân bay Biên Hòa.
Điều này chắc chắn được hoan nghênh, nhưng các chính trị gia Việt Nam khẳng định rõ ràng rằng phía Mỹ cần phải làm nhiều hơn thế.

"Tôi rất muốn thấy Tổng thống Obama đưa ra những tuyên bố dứt khoát về việc khắc phục hậu quả chiến tranh của Việt Nam và Mỹ”.

"Chúng tôi cần điều đó để khép lại quá khứ và mở ra một cánh cửa cho sự hợp tác trong tương lai" Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, nói.

Ông Chuck Searcy trò chuyện với tác giả Tom Rayner.
Một số tổ chức từ thiện của Mỹ cũng có ý kiến tương tự. Ông Chuck Searcy, Phó chủ tịch của nhóm “Cựu chiến binh vì hòa bình”, người đã làm việc với các dự án ở Việt Nam trong hơn 20 năm, nói với Sky News: ông Obama đang có một cơ hội lịch sử. "Mỹ không còn chối bỏ [về ảnh hưởng của chất độc da cam], nhưng chúng ta vẫn chưa tiến thêm một bước để làm điều nên làm là hỗ trợ các nạn nhân Việt Nam theo cách nhân đạo mà chúng ta đang cố gắng làm để hỗ trợ các cựu chiến binh Mỹ của chúng ta”./.