Trong những năm vừa qua mặc dù chính quyền và ngành chức năng tỉnh Kon Tum đã rất nỗ lực tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về hôn nhân-gia đình, tuy nhiên nạn tảo hôn vẫn xảy ra, đặc biệt tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những cặp vợ chồng lấy nhau ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” dù là tình yêu tự nguyện hay gả ép hầu hết đều có kết cục không mấy sáng sủa. Nhẹ là “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, còn nặng thì “đường ai nấy đi”. Khổ hơn nữa là không ít cặp vỡ chồng rơi vào cảnh bế tắc, đói nghèo đeo bám, tương lai bất định.
Một phụ nữ tảo hôn lấy chồng từ khi 16 tuổi. |
Với người dân ở làng Kram, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, chuyện những đứa trẻ bỗng một ngày bỏ học để “thành vợ, thành chồng” không phải là điều gì quá ngạc nhiên. Năm 2018, cô bé Y khẩn, 16 tuổi đang là học sinh lớp 10 trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện bỗng bỏ học để lấy chồng.
Cách không xa nhà Y Khẩn, em Y Mùi năm nay mới bước sang tuổi 16 mà đã có con nhỏ. Cuộc sống hiện tại của cả hai cô bé làm vợ, làm mẹ khi đang còn tuổi thiếu niên rất khó khăn. Vợ chồng Y Khẩn phải ở nhờ gia đình bên vợ. Thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, Y Khẩn thường xuyên ở nhà còn chồng đi làm thuê nuôi cả gia đình. Còn Y Mùi chồng sa vào nghiện ngập, hút chích, bỏ nhà đi lang thang. Hai mẹ con Y Mùi phải sống nhờ bố mẹ đẻ cuộc sống hết sức khó khăn.
Thật xót xa khi nghe Y Mùi nói về mình và về bạn thế này: “Ở trong làng Kram cũng có người ít tuổi hơn con nhưng lấy chồng trước con. Chồng nó lớn hơn nó 1 tuổi. Con của bạn đó năm nay được 5 tháng”.
Giống như Y Mùi, trả lời về việc vì sao lập gia đình trước tuổi pháp luật cho phép, các ông bố, bà mẹ trẻ con đều có chung câu trả lời: “Mình thích nhau, yêu nhau thì lấy nhau thôi!”. Sự hồn nhiên ấy đã dẫn đến nhiều hệ lụy mà các cặp vợ chồng trẻ con không lường hết. Trong khi đó người lớn và chính quyền địa phương lại chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm trong việc khuyên can, ngăn chặn ngay từ đầu.
Ông A Tuân, Làng Đăk Lúp, xã Đăk Nên, huyện Kon Plông có con tảo hôn cho biết: “Gia đình không có tiền bạc đầu tư cho con đi học. Nó quá yêu nhau, ưng nhau bố mẹ phải cho lấy. Không cho lấy thì sợ đi lang thang hoặc bỏ bố mẹ đi chỗ khác nên cho lấy thôi”.
Còn anh A Khom, thôn trưởng làng Kram, xã Rờ Kơi huyện Sa Thầy, địa phương trong năm 2018 có 3 cặp tảo hôn nói thế này: “Huyện họp, thôn họp cũng tuyên truyền rất nhiều rồi nhưng mà họ yêu nhau họ vẫn lấy nhau cho nên thôn cũng không can thiệp được nhiều. Đối với những cặp tảo hôn, đẻ con sớm kinh tế rất khó khăn”.
Thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho thấy, chỉ riêng trong năm 2018 trên địa bàn tỉnh có 172 cặp tảo hôn. Những cặp vợ chồng lấy nhau ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” dù là tình yêu tự nguyện hay gả ép hầu hết đều có kết cục không mấy sáng sủa. Sau kết hôn, các em phải gánh vác trách nhiệm nặng nề của một gia đình, vượt quá sức hiểu biết và chịu đựng để rồi, nhẹ là “cơm chăng lành, canh chẳng ngọt” còn nặng thì “đường ai nấy đi”. Khổ hơn nữa là không ít cặp vỡ chồng rơi vào cảnh bế tắc, đói nghèo đeo bám, tương lai bất định.
Nói về nguyên nhân dẫn đến việc trên địa bàn xã có 11 cặp tảo hôn, bà Bùi Thị Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Nên, huyện Kon Plông cho biết: “Ở đây bà con vẫn quan niệm hộ nào càng đông con càng nhiều lao động để phát triển sản xuất. Nên là bà con khi con cái mới lớn lên là muốn cho gả vợ, gả chồng để có nhiều lao động để phát triển sản xuất. Thứ hai là do nhận thức của bà con còn hạn chế nên chưa lường trước được hậu quả của việc tảo hôn”.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, năm 2015 tỉnh Kon Tum xây dựng Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015- 2020”.
Kết quả sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án cho thấy, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại địa phương có xu hướng giảm. Cụ thể năm 2017 toàn tỉnh có 351 trường hợp tảo hôn và 3 cặp kết hôn cận huyết thống, thì sang năm 2018 giảm xuống còn 172 cặp tảo hôn và 1 cặp kết hôn cận huyết thống.
Tuy nhiên theo ông Ka Pa Thành, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, để giảm thiểu được tình trạng tảo hôn cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong toàn bộ hệ thống chính trị. Trong đó các cấp ủy, chính quyền cấp huyện quan tâm đẩy mạnh công tác chỉ đạo triển khai thực hiện xuống cơ sơ. Ở các tổ tư vấn ở các thôn làng cần tích cực vào cuộc vận động tuyên truyền người dân thực hiện tốt. Công tác phối hợp giữa các cấp các ngành đặc biệt là các cơ quan thông tấn báo chí trong việc tuyên truyền nội dung cũng như các hình ảnh trực quan để người dân nắm bắt một cách cụ thể, rõ nét và thấy được tác hại của vấn nạn tảo hôn”.
Tỉnh Kon Tum đang rất nỗ lực loại bỏ nạn tảo hôn ra khỏi đời sống cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu của Chính phủ đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số thì địa phương còn rất nhiều việc cần làm. Bởi đây không phải là câu chuyện của một sớm, một chiều mà luôn đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành cũng như từ ý thức mỗi người dân địa phương./.