Dù công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục, nhưng thời gian qua, tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra ở vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc tỉnh Yên Bái, trong đó nhiều trường hợp sinh đẻ ở độ tuổi 14-15, gây nhiều hệ lụy đến đời sống xã hội, làm giảm chất lượng dân số, chất lượng giống nòi.
Do kém hiểu biết, khi mới 14 tuổi, em Cầm Thị Thiệu đã về làm dâu nhà ông Nguyễn Văn Tiến, thôn Hạnh Phúc, xã Lang Thíp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Giờ đây, ở cái tuổi đẹp nhất của đời người con gái, Thiệu phải chạy vạy lo từng bữa ăn cho gia đình.
Tảo hôn dẫn đến chất lượng dân số suy giảm (Ảnh minh họa) |
Cầm Thị Thiệu nói: “Trước đây chưa hiểu biết nên tôi đã lập gia đình sớm, giờ đây cuộc sống vợ chồng rất khó khăn, phụ thuộc vào gia đình, vào bố mẹ, rất ảnh hưởng đến cuộc sống”.
Lang Thíp là xã vùng cao của huyện Văn Yên, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Toàn xã chỉ có hơn 6.000 nhân khẩu, vậy mà từ đầu năm đến nay đã có 16 trường hợp tảo hôn. Mặc dù suốt thời gian qua chính quyền địa phương đã chủ động tăng cường tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn người dân kết hôn đúng độ tuổi pháp luật quy định. Thậm chí, tận mắt thấy Công an huyện Văn Yên ra quyết định khởi tố 2 vụ án, 2 bị can trên địa bàn xã về tội giao cấu với trẻ em xuất phát từ tảo hôn, nhưng nhiều hộ gia đình vẫn không thay đổi suy nghĩ và tảo hôn vẫn cứ diễn ra.
Ông Lê Minh Lập, Phó Chủ tịch UBND xã Lang Thíp, huyện Văn Yên cho biết: “Lang Thíp có nhiều đồng bào thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp nên là tình trạng cưới tảo hôn cho con, cho cháu vẫn xảy ra trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trong thời gian qua, chính quyền địa phương đã xây dựng, thành lập các ban tuyên truyền, giáo dục pháp luật, mặc dù đã làm tốt công tác tuyên truyền nhưng tình trạng cưới tảo hôn cho con vẫn cứ diễn ra do nhận thức còn hạn chế”.
Không chỉ ở xã Lang Thíp, huyện Văn Yên, tình hình tảo hôn còn diễn biến phức tạp ở hầu khắp các xã vùng cao tỉnh Yên Bái, mặc cho chính quyền và đội ngũ cán bộ làm công tác dân số tuyên truyền đi tuyên truyền lại, năm này qua năm khác.
Nhiều cán bộ dân số ở các xã khi nhắc đến tảo hôn thì thở dài ngao ngán. Số ít người dân không hiểu biết pháp luật đã đành, đáng buồn là nhiều hộ gia đình dù biết vi phạm pháp luật nhưng vẫn cho con cái tảo hôn.
Theo báo cáo của Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh Yên Bái, hiện nay mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đang được duy trì triển khai tại 15 xã vùng cao, khó khăn của 4 huyện: Văn Chấn, Văn Yên, Trạm Tấu, Mù Cang Chải.
Từ đầu năm đến nay đã tổ chức được 200 cuộc tuyên truyền vận động tại cộng đồng cho 1.900 lượt người thuộc các nhóm đối tượng: Cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, thanh niên, nhóm đối tượng có nguy cơ cao về tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.
Cùng với đó là hàng nghìn tờ rơi, áp phích được trao tận tay từng đối tượng. Thế nhưng, trong số 337 cặp kết hôn vẫn có 19,5% số cặp vợ chồng tảo hôn. Như vậy, sau nhiều sự đầu tư về nhân lực và kinh phí, tảo hôn vẫn tăng 5 % so với cùng kỳ 2014.
Bà Vũ Thị Nga, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh Yên Bái cho biết: “Tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác tuyên truyền thì đã xác định đối tượng đích là vị thành niên, thanh niên có nguy cơ là nạn nhân của tảo hôn, các bậc cha mẹ có con là vị thành niên, thanh niên, đặc biệt là có con có nguy cơ tảo hôn. Đã tuyên truyền trực tiếp tại hộ, tuyên truyền nhóm, rồi là các cuộc họp thôn bản… Thời gian qua đã triển khai nhiều hoạt động nhưng kết quả đến nay còn hạn chế”.
Ngành chức năng và chính quyền các địa phương nỗ lực thực hiện các biện pháp để hạn chế tảo hôn. Người dân được tuyên truyền ngày càng hiểu biết pháp luật, trong đó có Luật hôn nhân và gia đình. Thế nhưng tảo hôn vẫn cứ diễn ra, thậm chí có nơi theo chiều hướng tăng.
Thực trạng nguyên nhân đều được chỉ rõ, giải pháp cũng đã có và được tập trung triển khai, nhưng kết quả đạt được lại tìm mãi chưa thấy. Câu chuyện tảo hôn ở vùng cao Yên Bái xem ra vẫn cứ là câu chuyện dài, nói mãi, chưa đến hồi kết./.