Tăng cường bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và phòng, chống lũ lụt ở Trung bộ 6
12 người chết, gần 20.000 người phải sơ tán là ghi nhận thiệt hại ban đầu sau khi bão RAI còn gọi là bão số 9 đổ bộ vào Philippines. Nhận định tại cuộc họp cho thấy, bão số 9 với cường độ mạnh có đường đi bất thường vào cuối mùa mưa bão còn diễn biến rất phức tạp và đe dọa toàn bộ vùng biển Bắc, Giữa và Nam Biển Đông.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia lưu ý: “Gió mạnh và mưa lớn sẽ bắt đầu từ đêm nay, vì vậy các công tác ứng phó phải tiến hành xong trước 18h tối nay, để muộn sẽ gây khó khăn cho việc di chuyển tránh trú của ngư dân. Mặc dù quỹ đạo bão không vào đất liền nhưng đây là cơn bão mạnh cấp 13 đến 14 khi vào gần đất liền vẫn còn cấp 12, ảnh hưởng đất liền vẫn còn gió cấp 8 tương đương như 1 cơn bão bình thường khi đổ bộ vào đất liền”.
Các đại biểu cho rằng, cần xác định cụ thể vùng nguy hiểm của bão để phục vụ công tác tham mưu, chỉ đạo các địa phương và thông tin kịp thời đến người dân chủ động ứng phó bão. Theo nhận định, đối tượng nguy cơ cao chịu tác động bởi bão gồm: người và các phương tiện tàu cá, tàu vận tải hoạt động trên biển, phương tiện thủy nội địa, lồng bè nuôi trồng thủy sản; các dàn khoan, công trình dầu khí, hệ thống công trình đê, kè nhất công trình đang thi công; các hồ chứa nước… đòi hỏi công tác chỉ đạo ứng phó phải chủ động cả trên biển, ven biển và sẵn sàng trên đất liền.
Lưu ý các tàu thuyền trên đường di chuyển của bão ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Bắc Biển Đông, Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng Cứu hộ - cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết: “Còn khoảng 60 phương tiện với khoảng 500 lao động đang hoạt động ở khu vực Hoàng Sa và Bắc Biển Đông chủ yếu là của các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, mặc dù không nằm trong vùng nguy hiểm nhưng do nằm trên hướng di chuyển của bão theo dự báo vì vậy trong ngày hôm nay tiếp tục đôn đốc các đơn vị kêu gọi và hướng dẫn các phương tiện này thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc vào nơi trú tránh an toàn. Trong hôm nay và sáng ngày mai sẽ bắn pháo hiệu tại các điểm cảnh báo bão cho tàu thuyền hoạt động ven bờ và người dân trên các lồng bè chòi canh nuôi trồng thủy sản”.
Cùng với đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Công điện gửi Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa; Giám đốc các Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 5; các Ban Quản lý dự án đang quản lý các dự án sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới hồ chứa về việc tăng cường bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và phòng, chống ngập lụt, úng, đề phòng mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 9.
Theo thông tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 9, từ đêm nay (18/12) đến hết ngày 19/12, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa sẽ có mưa to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100 đến 250mm cả đợt, có nơi trên 300 mm cả đợt.
Hiện nay đã vào giai đoạn cuối mùa mưa, nhiều hồ chứa đã đầy nước, nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn công trình. Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do mưa lớn gây ra và bảo đảm trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp năm 2022, Tổng cục Thủy lợi đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 5 và các Ban Quản lý dự án khu vực Trung bộ tiếp tục thực hiện các nội dung tại Văn bản số 2370 của Tổng cục Thủy lợi về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn công trình thủy lợi và phòng, chống ngập lụt, úng đề phòng mưa lớn do ảnh hưởng của bão RAI, còn gọi là bão số 9.
Tiếp tục tăng cường theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo mưa, lũ, ngập lụt, úng, khuyến cáo vận hành hồ chứa của các cơ quan dự báo chuyên ngành khí tượng thủy văn, các cơ quan khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền để thực hiện phương án bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, phòng, chống ngập lụt, úng trên địa bàn. Khẩn trương tổ chức điều tiết xả lũ các hồ chứa phù hợp với thông tin dự báo mưa, bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình, không gây ngập lụt gia tăng ở hạ du và tích trữ nước phục vụ sản xuất mùa khô tới.
Tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ; th ường xuyên báo cáo tình hình an toàn công trình thủy lợi và ngập lụt, úng về bộ phận thường trực của Tổng cục Thuỷ lợi.
Khẩn trương và kịp thời ứng phó với bão số 9
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai nêu rõ, các Bộ ngành thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai và các địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc Công điện và Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 17/12; Công điện của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai ứng phó bão số 9.
Ngoài quyết liệt đôn đốc đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu thuyền tại nơi neo đậu cần tiếp tục bắn pháo hiệu cảnh báo bão cho các tàu hoạt động ven bờ và ngư dân trên các lồng bè chòi canh nuôi trồng thủy sản. Không loại trừ bão số 9 sẽ đi gần bờ hoặc đổ bộ vào đất liền khi chịu tương tác của khối không khí lạnh từ phía Bắc vì vậy phải sẵn sàng phương án cứu hộ cứu nạn trên biển và đất liền.
“Phạm vi ảnh hưởng của bão rất rộng và cường độ bão rất lớn nên việc ứng phó phải khẩn trương và kịp thời. Đã có nhiều bài học khi tàu thuyền về nơi neo đậu rồi vẫn bị chìm đắm vì vậy tại nơi neo đậu trú tránh của tàu thuyền phải đặc biệt chú ý, trong đó có các nơi neo đậu tàu thuyền ở các đảo. Tạo điều kiện cho các tàu cá và ngư dân các địa phương khác vào nơi tránh trú đi đôi với các biện pháp đảm bảo an toàn về dịch Covid 19, đặc biệt là không để người dân trên tàu, thuyền trên chòi canh trên lồng bè, nuôi trồng thủy sản khi có bão”, ông Tiến chỉ đạo.
Đến nay, đã có 10 tỉnh, thành phố thực hiện lệnh cấm biển gồm: Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình. Lực lượng biên phòng tuyến biển phối hợp với chính quyền các địa phương thông báo và hướng dẫn gần 45.000 tàu, thuyền với khoảng 243.000 người biết diễn biến bão số 9 vào nơi trú tránh an toàn./.