Cụ thể, các trường hợp F0 sau 10 ngày được thu dung, điều trị tại các cơ sở y tế sẽ được xét nghiệm 2 lần bằng phương pháp real-time RT-PCR, nếu kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được chuyển về cách ly tại nhà theo quy định. Ngoài ra, những trường hợp dương tính nhưng có tải lượng virus thấp (giá trị CT>=30) cũng có thể đưa về nhà để theo dõi, điều trị vì khả năng lây nhiễm sang những người xung quanh là cực kỳ thấp.
Các trường hợp F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà sẽ được theo dõi y tế theo quy định. Đồng thời, đối với những trường hợp này, Bộ Y tế đưa ra hướng dẫn, khuyến cáo về tự theo dõi sức khỏe, liên hệ chặt chẽ với các đơn vị y tế; khuyến cáo sử dụng một số loại thuốc như thuốc hạ sốt, các sản phẩm có tác dụng hỗ trợ nâng cao sức đề kháng, các loại vitamin tổng hợp; uống nhiều nước và uống nước nhiều lần trong ngày để bảo đảm độ ẩm cho hệ thống hô hấp.
Sau khi ra viện và tiếp tục điều trị tại nhà, bệnh nhân sẽ có số điện thoại đường dây nóng để nhân viên y tế kiểm tra, theo dõi hằng ngày, cũng như đến lấy mẫu xét nghiệm theo quy định. Hệ thống y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi các trường hợp F0, F1 thực hiện cách ly tại nhà.
Ông Anh Lưu Thế Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp Y tế số, Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel – đơn vị thiết kế, vận hành nền tảng – cho biết, công ty nhận đơn đặt hàng giám sát việc cách ly tại nhà từ ngày 30/6 và đến nay đã sẵn sàng để triển khai cho 24 quận, huyện tại TP.HCM.
“Hệ thống quản lý cách ly tại nhà trước mắt Viettel phối hợp với Sở Y tế TP.HCM triển khai. Đây là tiền đề tiến tới triển khai thực hiện trên toàn quốc khi Bộ Y tế chính thức công nhận F1 hoặc F0 được cách ly tại nhà”, ông Thế Anh cho biết thêm.
Những người phải cách ly tại nhà sẽ khai báo số điện thoại, nhận diện khuôn mặt và kích hoạt vị trí hiện tại trên điện thoại thông minh. Người cách ly sẽ khai báo y tế 3 lần/ngày, đồng thời phải thông tin ngay nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như sốt, ho, khó thở... Qua đó, nhân viên y tế trực tiếp theo dõi trường hợp cách ly có thể nắm được thông tin sức khoẻ của họ và việc tuân thủ quy định cách ly.
Hệ thống phần mềm được triển khai trên hạ tầng hiện tại của trang web tokhaiyte.vn và ứng dụng di động Vietnam Health Decleration (VHD).
Theo ông Thế Anh, một trong những khó khăn trong việc triển khai nền tảng tại TP.HCM hiện nay do thành phố là điểm bùng dịch lớn với mật độ đối tượng có nguy cơ mắc Covid-19 rất cao, trong khi thời gian triển khai gấp nên việc hỗ trợ người dùng tại các cơ sở rất khó tiếp cận. Ngoài ra, để thực hiện biện pháp cách ly tại nhà, người chịu cách ly bắt buộc phải sử dụng điện thoại thông minh để nhận diện khuôn mặt và xác định vị trí trong thời điểm cách ly.
“Tất cả các dữ liệu thu được từ các nền tảng công nghệ sử dụng trong phòng chống dịch Covid-19 như Bluezone, tokhaiyte, VHD, Sổ sức khỏe điện tử… đều được tập trung về Trung tâm Phòng chống Covid-19 trên nền tảng công nghệ thuộc Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19”, ông Thế Anh cho biết thêm./.