Chủ khu “biệt phủ” là ông Nguyễn Thanh Phước, trú tại phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy. Ông này tự ý san lấp đất nông nghiệp nuôi trồng thủy sản gần khu đô thị cao cấp Đông Nam Thủy An, thành phố Huế, xây dựng “biệt phủ” bề thế. Công trình thuộc thửa đất số 26, tờ bản đồ số 10, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy.
Năm 2019, ông Nguyễn Thanh Phước tiến hành xây dựng quần thể gồm nhiều hạng mục như: nhà rường rộng 150 m2 để làm nhà thờ, nhà xe, sân nền xi măng, tường rào bề thế trên khu đất khoảng 500m2.
Đến cuối tháng 9/2021, UBND thị xã Hương Thuỷ ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra đối với cá nhân ông Nguyễn Thanh Phước về hành vi tổ chức thi công công trình không có giấy phép xây dựng.
Theo quyết định, ông Nguyễn Thanh Phước buộc phải tháo dỡ phần công trình xây dựng vi phạm. Thời gian thực hiện là 60 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định này đến 24/9/2021.
Tuy nhiên, gia đình ông Phước đã có đơn trình bày xin phép gia hạn tháo dỡ do vào thời điểm thời tiết mưa nhiều và tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Ông Ngô Hữu Thuận, Chủ tịch UBND phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy cho biết, mảnh đất ông Phước xây dựng công trình thuộc đất nông nghiệp, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chủ đất từng bày tỏ nguyện vọng muốn được làm thủ tục xin cấp “sổ đỏ”.
Tuy nhiên, theo quy định pháp luật đất đai hiện hành, để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp và làm cơ sở chuyển mục đích sử dụng thành đất ở, ông Phước phải tháo dỡ các công trình xây dựng hiện hữu, trả lại nguyên trạng ban đầu.
“Sau sự việc này chúng tôi cũng đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm trong các bộ phận có liên quan, nhất là bộ phận Địa chính xây dựng. Thứ hai là phải tăng cường công tác kiểm tra địa bàn để kịp thời phát hiện và ngăn chặn từ đầu, để khỏi ảnh hưởng đến đời sống của bà con. Chứ còn không phát hiện kịp thời mà xây dựng lên rồi thì yêu cầu tháo dỡ, nếu không tháo dỡ thì cưỡng chế, sẽ tốn chi phí của bà con....", ông Thuận nói./.