Kể từ 0h ngày 26/6, các phương tiện vận chuyển hàng hóa từng đến, đi ra từ vùng dịch (bao gồm: ổ dịch, khu vực phong toả, địa phương đang áp dụng Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng, phường/xã có ca bệnh lây lan trong cộng đồng trong vòng 14 ngày) trước khi vào địa phận TP Đà Nẵng để giao, nhận hàng hóa phải tuân thủ các quy định chặt chẽ.

Cụ thể, người điều khiển và người ngồi trên phương tiện vận chuyển phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ bằng phương pháp sinh học phân tử Realtime RT-PCR (PCR). Đối với trường hợp người điều khiển và người trên phương tiện vận chuyển không xuất trình được giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ thì phải dừng tại chốt kiểm soát dịch, thực hiện bàn giao hàng hóa hoặc bàn giao xe cho người trong TP Đà Nẵng để vận chuyển vào thành phố. Việc thực hiện quy định này đang gặp nhiều khó khăn.

Xe đầu kéo, xe tải là một tài sản lớn, không ai dám giao cho người khác điều khiển để sử dụng tài sản của mình được. Bởi họ còn phải quản lý tài sản, đồ đạc, vật dụng thiết bị trên xe.

Mặt khác, hàng hóa trên xe cũng là tài sản lớn, tài xế không an tâm chuyển hàng qua cho tài xế xe khác chở đi. Việc mất hàng trên xe rất dễ xảy ra. Khó nhất là khi mất mát hàng hóa thì không sở, ngành, địa phương nào chịu tham gia xử lý sự cố. Thứ nữa là tài xế có bằng FC, điều khiển đầu kéo cũng khó tìm kiếm để ra ngoại ô chạy xe chở hàng vào nội ô. Càng khó khăn hơn khi hầu hết tài xế xe tải, xe container đều vào thành phố vào giữa đêm khuya hoặc rạng sáng.

Ông Nguyễn Hà Nam, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang phân tích, tài xế xe đầu kéo nếu có rảnh thì cũng không ai đi làm việc “đóng thế” đó. Bởi xe từ vùng dịch về, thành phố không cho lái xe vào nội đô thì tài xế ở nội đô sẽ sợ lây dịch nên sẽ không lên cabin của đồng nghiệp. Một đặc điểm nữa là tài xế khi giao hàng cho đối tác thì cũng chính họ là người thực hiện các thủ tục về tài chính, hợp đồng mà chính quyền không thể can thiệp được. Từ thực tế này, ông Nguyễn Hà Nam cho rằng, không thể thực hiện trung chuyển xe hàng hóa vào nội đô được.

“Thành phố có chỉ đạo nội dung liên quan đến việc đối với tài xế từ vùng dịch chở hàng vào thành phố thì phải đổi tài xế. Nội dung này qua thực tiễn thì không thể thực hiện được chủ trương thay tài xế. Vì vậy, đề nghị thành phố chỉ đạo các ngành rà soát lại, nghiên cứu phương án khác chứ phương án thay tài xế không thực hiện được và chắc chắn không thực hiện được”, ông Nam kiến nghị.

Ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho biết, khi tài xế vào vùng dịch, thành phố bắt buộc tài xế phải ở lại ngoại ô, điều người khác lên chở hàng vào thành phố sẽ xảy ra tình trạng tài xế xe sẽ thuê xe ôm chạy theo xe hàng của mình để giám sát. Trong khi đó, không ai quản lý được họ, không biết họ đi những đâu nên quy định này khó thực hiện. Theo ông Nguyễn Tiên Hồng, điều quan trọng nhất là phải có phương án quản lý xe tải từ vùng dịch vào thành phố.

“Khi có xe từ vùng dịch vào thành phố thì có lái xe từ Đà Nẵng ra cửa ngõ trung chuyển xe hàng vào, tài xế phải ở lại. Phương án này phải nghiên cứu lại, phải có nơi để lái xe trung chuyển và được kiểm soát. Bởi có tình trạng sau khi xe tải chở hàng vào thì lái xe thuê xe ôm theo sau mà không biết họ đi đâu. Mình sẽ không quản lý được nếu không có phương án quản lý người chờ. Sở Y tế sẽ phối hợp với Sở Công thương quản lý như thế nào cho phù hợp”, ông Hồng nêu ý kiến.

UBND thành phố Đà Nẵng quy định, đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa từng đến, đi ra từ vùng không có dịch Covid-19 khi vào địa phận TP Đà Nẵng để giao, nhận hàng hóa, không yêu cầu kết quả xét nghiệm. Tuy nhiên, tài xế có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, khai báo trên giấy xác nhận kiểm soát tại chốt kiểm soát trước khi vào thành phố. Đồng thời tiếp nhận và trả giấy xác nhận kiểm soát cho công an tại các chốt kiểm soát vào, ra thành phố.

Ông Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp Đà Nẵng cho biết, đối với xe từ vùng dịch vào khu công nghệ cao và khu công nghiệp, Ban Quản lý sẽ giám sát chặt chẽ hơn, đảm bảo an toàn cho các khu công nghiệp nhưng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tài xế vào giao, nhận hàng hóa.

“Đối với tài xế từ vùng dịch vào khu công nghệ cao và các khu công nghiệp thì yêu cầu tài xế đó bắt buộc phải lưu trú tại doanh nghiệp chứ không cho ra ngoài. Sau đó doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm áp tải tài xế này ra khỏi thành phố. Song song với đó, yêu cầu doanh nghiệp phải có 1 phòng cách ly có camera giám sát 24/24h đối với tài xế này. Đó là cách quản lý tài xế của ban quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp”, ông Tỵ nêu rõ./.