Nhiều năm qua, mưa lũ gây sạt lở đất trở thành nỗi ám ảnh với người dân sống ở khu vực miền núi tỉnh Quảng Bình. Nhiều bản làng bị chia cắt nhiều ngày do mưa lớn, người dân ở trong những ngôi nhà bên sườn núi lo lắng mưa nhiều làm đất đá sạt lở, vùi lấp. Tỉnh Quảng Bình xây dựng các phương án ứng phó với mưa bão, ngập lụt và sạt lở đất trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại địa phương này.
Nhiều năm qua, sạt lở đất đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực trong đời sống hàng trăm hộ dân ở các xã phía tây huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Xã Hưng Trạch là nơi có nguy cơ cao về sạt lở. Hiện cả xã có 76 hộ dân trong sống trong vùng nguy cơ bị sạt lở đất, nhiều nhà dân dựa lưng vào vách núi. Điều mà những hộ dân ở đây lo sợ là khi mùa mưa đến, nước mưa ngấm vào đất đá trên núi, sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bà Hoàng Thị Thiện, ở thôn Thanh Hưng 1, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch cho biết:
“Mọi bữa lúc mưa to gió lớn là nước trên vách núi òa xuống, đất cũng lở truồi xuống theo vô cả trong nhà. Cả gia đình dùng cuốc xẻng cào đất đá ra, trời thì mưa mà nước cứ tràn vào nhà”, bà Thiện cho biết.
Mùa mưa năm trước, thôn Thanh Hưng 1, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch từng xảy ra các vụ sạt lở đất nghiêm trọng. Hơn chục nhà dân bị đất đá đổ sập xuống nhà, người dân may mắn thoát kịp. Ông Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng thôn Thanh Hưng 1, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch cho biết, năm nay, địa phương đã có kế hoạch sơ tán những hộ dân sống bên sườn núi, di chuyển cả tài sản, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho bà con.
“Trong thôn có nhiều hộ dân dễ bị ảnh hưởng bởi sạt lở do sống ở sát núi quá. Trước đây do không có máy móc để san gạt mặt bằng, người dân sống cheo leo bên vách núi, có nhiều hộ trời mưa bị đất đá sạt lở vào nhà. Nhiều nơi khi sạt lở thì xe không thể vào được để mà múc đất, san gạt giải tỏa”, ông Vinh nói.
Cứ đến mùa mưa bão, người dân ở 2 huyện miền núi Minh Hóa, Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình lại nơm nớp lo sợ xảy ra các trận lũ quét, sạt lở núi và ngập lụt. Những năm gần đây, thiên tai ngày càng diễn biến cực đoan, khó lường. Ở xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa có nhiều sông suối, ngầm tràn, mỗi lần mưa lớn, nước suối dâng cao gây ngập diện rộng, chia cắt nhiều thôn bản. Khi đó, địa phương phải tổ chức lực lượng trực 24/24 ở cầu tràn, các điểm ngập lụt, các tuyến giao thông không cho người và phương tiện qua lại khi cầu tràn ngập.
Ông Trương Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết, không để bị động, bất ngờ, trước mùa mưa bão, địa phương đưa gạo, thuốc men tập trung tại nhà văn hóa các thôn, bản dễ bị chia cắt, cô lập bảo đảm từ 10 ngày trở lên để sẵn sàng hỗ trợ nhân dân.
“Trận lũ năm trước tại xã Minh Hóa nước lũ nhấn chìm gần 80%. Vừa qua có các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, của các đơn vị doanh nghiệp đã xây dựng nhà phao tránh lũ. Khi mà có thiên tai bão lụt như những năm trước đây thì xã yêu cầu các hộ có nhà phao tạo điều kiện giúp đỡ các hộ còn lại, đặc biệt người già và trẻ em”, ông Minh cho biết.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện còn 19 xã có điểm nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa lũ. Chủ động ứng phó trong mùa mưa bão, tỉnh này đã rà soát, xây dựng các kịch bản sơ tán người dân ở những nơi nguy hiểm đến nơi an toàn theo từng cấp độ thiên tai; rà soát bổ sung phương án ứng phó, nhất là chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, vật tư trước mùa mưa lũ.
Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, ngoài phương châm “4 tại chỗ”, tỉnh chỉ đạo các địa phương chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị, dụng cụ đáp ứng yêu cầu cứu hộ, cứu nạn cũng như phòng chống dịch Covid-19.
“Phòng chống theo phương châm phòng tránh là chính, chủ động phòng sạt lở đất, tránh các ngầm tràn trước, trong và sau lũ. Chủ động phương án di dời dân theo đối tượng, tình huống. Chủ động dữ trữ lương thực thực phẩm, nước uống đảm bảo cho nhân dân. Xây dựng lực lượng phòng chống thiên tai đảm bảo sự chỉ huy thống nhất để ứng cứu khi tình huống xảy ra một cách kịp thời”, ông Lâm nói./.