Cảnh giác nguy cơ dịch chồng dịch, đặc biệt với trẻ em. Đây là khuyến cáo của các chuyên gia y tế trong bối cảnh thời tiết đang giao mùa - thời điểm bùng phát nhiều bệnh truyền nhiễm, trong khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Trong một chương trình trao đổi trực tuyến, TTƯT. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, thời điểm giao mùa, nhiệt độ thay đổi liên tục sẽ tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển và lây lan.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, các gia đình cần quan sát khi bé thở khi có triệu chứng ho, sốt. Đặc biệt, khi trẻ thở thấy vết lõm lồng ngực thì phải đi bệnh viện ngay, cấp cứu ngay lập tức.
“Nếu thấy trẻ mệt lử, cần phải đưa đi viện. Khi trẻ chỉ có biểu hiện thở nhanh thì có thể đi khám chậm 1-2 tiếng. Tại bệnh viện luôn phân luồng để khám COVID-19 riêng và tiếp nhận, khám bệnh khác riêng”, ông Dũng nói.
Theo nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, trong thời tiết giao mùa hiện nay, nhiệt độ thay đổi liên tục khiến các bệnh về đường hô hấp tăng cao, trong khi COVID-19 cũng là nhóm bệnh đường thở và đang diễn biến phức tạp: “Với các bệnh truyền nhiễm nói chung, trẻ dưới 5 tuổi dễ mắc nhất. Riêng COVID-19 hơi khác một chút, trẻ 12-18 tuổi có thể mắc nhiều hơn, do ở lứa tuổi này, nhiều thanh thiếu niên đã có bệnh nền giống người lớn. Những trẻ béo phì có thể bị biến chứng nặng”.
Cùng một lúc, một người có thể bị nhiều virus tấn công vào cơ thể (virus SXH, cảm cúm, rota tiêu chảy) và có thể bị nhiều bệnh một lúc. Vậy, trẻ em có biểu hiện thế nào nếu mắc COVID-19 và làm thế nào để phân biệt được dấu hiệu của COVID-19 và các bệnh lý truyền nhiễm khác?
Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, trẻ cũng sẽ có tất cả các dấu hiệu giống như người lớn như sốt, ho, khó thở, có thể tiêu chảy, nhức đầu, đau cơ, đau mỏi…Tuy nhiên, tỷ lệ các triệu chứng ở trẻ nhỏ và người lớn khác nhau. Trong đó, người lớn thường bị mất vị giác nhiều hơn.
Có nhiều nguyên nhân lý giải tại sao trẻ em mắc ít COVID-19 hơn. “Trẻ em bị mắc bệnh đường hô hấp nhiều hơn. Ví dụ virus gây cảm cúm, sổ mũi… Do trẻ em hay bị cảm cúm, sổ mũi nên có sẵn kháng thể chống virus. Có thể những kháng thể này ngăn chặn virus khi vào đến mũi và tuyến họng” - PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng lý giải.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng đặc biệt lưu ý, trẻ khi mắc bệnh nếu không được chăm sóc cẩn thận, phát hiện điều trị sớm thì biến chứng ở trẻ em nhiều hơn ở người lớn.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, cha mẹ phải có biện pháp phòng dịch cho trẻ, trong đó, hạn chế trẻ tiếp xúc nhiều. Cha mẹ, người lớn trong gia đình khi đi làm, tiếp xúc bên ngoài phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, để không nhiễm virus hay mang virus về nhà, đồng thời khi về nhà phải khử khuẩn, sát khuẩn tay trước khi tiếp xúc với trẻ.
“Khi người dân ra đường nhiều, bố mẹ có khả năng mắc bệnh và lây cho con. Phải chuẩn bị tư tưởng giao mùa có thể làm dịch tăng lên. Một số nước cho học sinh đi học trở lại và dịch lại bùng lên. May mắn là đại bộ phận trẻ em miễn nhiễm tốt hơn người lớn. Tuy nhiên, cần chuẩn bị tâm lý trước là có thể số ca nhiễm ở trẻ em tăng lên và chuyển biến nặng có thể nhiều hơn”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo./.