Chiều tối 25/6, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 với lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng Ban Chỉ đạo lưu ý, khi dịch xuất hiện trong các khu công nghiệp, các biện pháp phòng, chống dịch sẽ rất khác do số lượng người cần xét nghiệm, truy vết, cách ly, điều trị vô cùng lớn.

“Với số lượng các khu, cụm công nghiệp và công nhân làm việc tại Tiền Giang, nếu dịch bệnh xuất hiện có thể lây lan nhanh, xuất hiện hàng nghìn trường hợp F1, hàng chục nghìn F2 trong thời gian ngắn. Do đó, Tiền Giang phải chỉ đạo từng nhà máy, xí nghiệp phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; tự đánh giá, cập nhật lên Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lập tức điều chỉnh tổ chức ca, kíp sản xuất theo khu vực công nhân cư trú; các địa phương cập nhật dữ liệu thông tin về tình hình dịch bệnh từ cấp xã, phường phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch bệnh sát với diễn biến thực tế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Từ ngày 27/4 đến nay, tỉnh Tiền Giang ghi nhận 59 ca mắc COVID-19 với 2 chuỗi lây nhiễm chính ở thị xã Cai Lậy và huyện Cái Bè. Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, sau khi phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 5/6, đến nay, Tiền Giang có 9 chùm lây nhiễm với 838 trường hợp F1, gần 1.800 trường hợp F2. Các lực lượng đã khống chế được 8/9 ổ dịch. Riêng ổ dịch tại xã Tân Thanh, huyện Cái Bè, các lực lượng chức năng chưa xác định được nguồn lây.

Do đó, bắt đầu từ 00h ngày 12/6, toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15; riêng tại huyện Cái Bè và thị xã Cai Lậy, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 00h ngày 14/6. Đến nay, các ca mắc COVID-19 của Tiền Giang đều xâm nhập từ vùng dịch nên toàn lực lượng phòng, chống dịch tỉnh Tiền Giang đang thực truy vết khẩn trương, lấy mẫu thần tốc. Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là Tiền Giang có địa bàn rộng - là cửa ngõ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây. Do đó, người dân làm việc ở TP.HCM đông nên khó khăn trong kiểm soát người đi về từ vùng dịch về, mặc dù tỉnh đã thành lập 11 chốt kiểm soát người ra vào địa bàn.

“Cùng với đó, Tiền Giang có 4/7 khu công nghiệp đang hoạt động, 27 cụm công nghiệp với khoảng 110.000 công nhân, người lao động. Với mục tiêu quyết tâm bảo vệ bằng được an toàn, không để dịch bệnh xâm nhập vào đây, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch, trong đó tập trung lấy mẫu test nhanh cho công nhân, người lao động các doanh nghiệp nghi ngờ có ca mắc COVID-19”, ông Nguyễn Văn Vĩnh cho biết.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị Trung ương hỗ trợ trang thiết bị, công tác điều trị cũng như ưu tiên vaccine phòng COVID-19.

Đánh giá tình hình dịch tại Tiền Giang, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, tỉnh Tiền Giang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19; tăng cường khai báo y tế điện tử, đặc biệt đối với công nhân, người lao động các khu công nghiệp; chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện đánh giá, cập nhật thông tin phòng, chống dịch lên Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19; cập nhật kịp thời thông tin các ca mắc… để khoanh vùng, truy vết, dập dịch. 

Tại khu, cụm công nghiệp, Tiền Giang sớm tổ chức kiểm tra, tập huấn, hướng dẫn cho các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phòng chống dịch. Doanh nghiệp, công nhân, chủ nhà trọ phải ký cam kết tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, khai báo y tế điện tử, hạn chế giao lưu, tiếp xúc… 

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Tiền Giang chủ động xét nghiệm, công suất từ 5.000-7.000 mẫu đơn/ngày, đảm bảo năng lực truy vết thần tốc, chuẩn bị kỹ các cơ sở điều trị hồi sức tích cực từ 10-20 giường, tận dụng cơ sở vật chất hiện có để bàn phương án lập bệnh viện dã chiến… chuẩn bị sẵn sàng trong mọi tình huống dịch bệnh.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh kinh nghiệm phòng, chống dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang cho thấy, ngay khi xuất hiện ca mắc trong các khu công nghiệp, thay vì cho công nhân nghỉ làm đồng loạt, các lực lượng phải khẩn trương xác định, khoanh vùng ngay khu vực phân xưởng, dây chuyền có nguy cơ cao, đồng thời duy trì hoạt động sản xuất, giữ khoảng cách để giữ an toàn cho công nhân cũng như cộng đồng.

Đối với phương án cách ly công nhân, Tiền Giang lưu ý giảm mật độ thấp nhất có thể để chống lây nhiễm chéo. Các khu nhà trọ phải chuẩn bị phương án cách ly tập trung tại chỗ hoặc khẩn trương giải phóng toàn bộ khu trọ, nhanh chóng “làm sạch”, sau đó đưa công nhân không không mắc COVID-19 quay trở lại.

Phó Thủ tướng đề nghị Tiền Giang bám sát tình hình, thực hiện linh hoạt giãn cách xã hội, khoanh vùng, phong tỏa theo mức nguy cơ đúng với tinh thần Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch COVID-19./.

>> “Đặc biệt lo ngại tình hình dịch tại TP.HCM”