Sáng 10/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trả lời câu hỏi của các ĐBQH về những vụ việc sai phạm khiến nhiều cán bộ y tế vướng vòng lao lý vừa qua.
Sau phần trả lời của ông Nguyễn Thanh Long, Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đã có phần tranh luận khi cho rằng Bộ trưởng trả lời chưa thỏa đáng. Ông Cường cho rằng, khi phân công cho cấp phó phụ trách về kinh tế, nhưng nếu có sai phạm thì người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm. Theo quy định hằng năm, cơ quan chức năng của cơ quan chủ quản, cơ quan kiểm toán, thanh tra đều phải duyệt quyết toán đối với phần vốn ngân sách, còn hoạt động về vốn của đơn vị tự quyết định phải kiểm tra báo cáo tài chính. Tuy nhiên, những cơ quan này có chuyên môn về quản lý kinh tế mà còn không phát hiện sai phạm vậy làm sao những giáo sư, bác sĩ với chuyên môn là đọc bệnh án lại phát hiện được.
ĐBQH đoàn Hà Nội cũng dẫn quy định Luật Phòng, chống tham nhũng về những sai phạm xảy ra sau khi có thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thì những người thực hiện chức năng này cũng phải chịu trách nhiệm.
Trả lời phần tranh luận của đại biểu Hoàng Văn Cường, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, quy định của Đảng, người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm khi sai phạm xảy ra trong đơn vị của mình.
“Nếu đơn vị xảy ra sai phạm dù trực tiếp hay gián tiếp thì người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Bộ trưởng Y tế cũng cho biết, Bộ chịu trách nhiệm chỉ đạo về chuyên môn, kỹ thuật trên cả nước. Vấn đề kiểm tra, tài chính, mua sắm, đấu thầu thanh tra kiểm tra là trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố quản lý.
Mặt khác, Bộ Y tế cũng tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành nhưng chỉ về mặt chuyên môn. Trước những sai phạm xảy ra trong thời gian qua, cơ quan này cũng đã chủ động có văn bản nhắc nhở các địa phương, các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, giám sát và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật.
Làm rõ thêm vấn đề này, tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, câu hỏi của các ĐBQH nêu tại phiên chất vấn rất thiết thực, trong đó, có câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp): “Bác sĩ giỏi nhưng chưa chắc đã làm quản trị giỏi. Vậy có thể tách bạch việc quản trị và quản lý chuyên môn được không?”
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, về mặt chủ trương chung trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung và sự nghiệp y tế nói riêng, đã có những quy định nêu rất rõ về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình đẻ bổ nhiệm viên chức quản lý đơn vị sự nghiệp.
“Từ khung chung trên cơ sở của Nghị định 115, được thể hiện từ Điều 43 đến Điều 46, các Bộ chuyên ngành căn cứ để xây dựng quy định, tiêu chuẩn, điều kiện rất cụ thể cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ của ngành. Đối với Bộ Y tế, đã ban hành Thông tư quy định cụ thể về chức năng, tiêu chuẩn bổ nhiệm các đơn vị sự nghiệp trong ngành y tế. Nhưng thực tiễn chúng ta thấy là có những vấn đề phát sinh ở một số cơ sở y tế, đó là có thể người quản lý cơ sở y tế có năng lực về chuyên môn nhưng lại chưa có năng lực về quản trị. Như vậy, với góc độ của ngành. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn và tiếp thu ý kiến này của ĐBQH”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.
Bà Thanh Trà cũng nhấn mạnh, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu kỹ hơn về vấn đề này, để đảm bảo có được nhân lực quản lý như mong muốn “vừa có năng lực chuyên môn vừa có năng lực quản trị là tốt nhất”.
“Trong trường hợp cụ thể chúng ta cũng nên cân nhắc, nhất là khi chúng ta đang đẩy mạnh tự chủ các đơn vị sự nghiệp công, theo đó, rất cần có cán bộ thực sự có năng lực quản trị để đáp ứng được yêu cầu của việc đẩy mạnh tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp y tế. Chúng tôi thấy đây là nội dung rất hay, nhưng theo đó cũng cần phải làm rất rõ về tiêu chuẩn, điều kiện và trách nhiệm của người đứng đầu đối với đơn vị sự nghiệp”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định./.