Công trường thi công Dự án Cải tạo, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 4B (đoạn Km 3- Km 18) những ngày này hối hả và khẩn trương. Ngay sau Tết nguyên đán, hàng trăm trang thiết bị như xe ben, ủi, lu, múc…đã được các nhà thầu huy động để thi công các hạng mục. Hàng trăm xe ben rầm rập vận chuyển đất, các thiết bị máy móc hoạt động hết công suất...để đáp ứng tiến độ thi công.
Ông Hoàng Văn Hữu, Chỉ huy trưởng Công trường (đoạn Km9-12) thuộc Công ty Cổ phần Xây dựng Trường An Lạng Sơn, cho biết: Các nhà thầu thi công đã hoàn thiện nhà điều hành, nhà ở cho cán bộ, công nhân trực tiếp tham gia tại dự án để phục vụ nhu cầu ăn nghỉ, đảm bảo sức khỏe cho người lao động trong quá trình thi công: “Đơn vị đang thi công các hạng mục là đào đắp nền đường, các hệ thống thoát nước ngang. Hiện tại thời tiết khô ráo chúng tôi đang triển khai làm liên tục, có thời điểm tăng ca làm cả ca 3 đến 22h để đảm bảo tiến độ đề ra trong năm nay sẽ hoàn thành phần nền đường. Trong thời gian tới khi có mặt bằng đơn vị sẽ bổ sung thêm thiết bị máy móc, cũng như nhân lực để phục vụ việc thi công. Chúng tôi cùng với các nhà thầu khác đang cố gắng nỗ lực hết sức để hoàn thành sớm trước tiến độ đề ra”.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn Km3+700 đến Km18) tỉnh Lạng Sơn do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư, tổng chiều dài trên 13 km với tổng mức đầu tư trên 988 tỷ đồng. Công trình thiết kế theo quy mô đường cấp III, tốc độ thiết kế 80km/h, thời gian thực hiện từ năm 2020-2024. Đến nay, diện tích mặt bằng đã bàn giao được trên 50 ha (đạt 50% kế hoạch). Tuy vậy, việc triển khai thi công dự án vẫn còn gặp phải không ít khó khăn vướng mắc.
Ông Hoàng Đình Tuệ, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Dự án này có diện tích đất lúa trên 29 ha, lớn hơn trên 10ha đất lúa và theo quy định của Luật đất đai thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh cũng đã có tờ trình số 119 trình Thủ tướng Chính phủ xin chuyển đổi đất trồng lúa để thực hiện dự án, đến nay thì vẫn chưa có văn bản chấp thuận do vậy đây cũng là vấn đề khó khăn về thủ tục pháp lý trong quá trình triển khai thực hiện. Dự án đến nay cơ bản đã có những thuận lợi nhất định về vốn, về năng lực thi công của các nhà thầu. Và nếu sớm được nhận bàn giao mặt bằng, chúng tôi cam kết sẽ hoàn thành trước thời hạn để có thể sớm phát huy những hiệu quả của dự án này”.
Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 4B được kì vọng sẽ tạo sự kết nối, nâng cao năng lực khai thác đáp ứng nhu cầu vận tải, lưu thông hàng hoá. Tuyến đường này cũng góp phần thu hút khách du kịch đến với Khu du lịch Quốc gia Mẫu Sơn, tăng cường năng lực vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu qua cửa khẩu song phương Chi Ma, huyện Lộc Bình. Về lâu dài, đây sẽ là cơ sở để tiếp tục nâng cấp mở rộng kéo dài để kết nối với Quốc lộ 18 (nối tiếp vào dự án đang triển khai, điểm cuối tại ranh giới giữa tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 65,2 km, tổng mức đầu tư dự kiến 3,4 nghìn tỷ đồng).
Ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nói: “Tuyến đường này sau khi đầu tư hoàn chỉnh sẽ tạo ra đường hành lang theo chiều ngang, kết nối giữa Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn- Hữu Nghị với cao tốc Tiên Yên- Móng Cái và sẽ kết nối giữa các cảng biển, sân bay của tỉnh Quagr Ninh, Hải Phòng với các cửa khẩu Lạng Sơn… sau này có thể kết nối đến Cao Bằng thông qua tuyến cao tốc Đồng Đăng- Trà Lĩnh. Ngoài ra sau khi hoàn thành, chúng tôi sẽ quy hoạch 2 bên của tuyến quốc lộ 4B chủ yếu là phát triển về công nghiệp. Khi đó sẽ tạo ra được khoảng 5.000 ha quỹ đất tương đối thuận lợi để phục vụ phát triển công nghiệp cũng như đô thị, dịch vụ của tỉnh Lạng Sơn”.
Với phương châm giao thông “đi trước một bước”, việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 4B nói riêng và việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông hoàn thiện nói chung không chỉ là chủ trương đúng đắn, kịp thời của tỉnh Lạng Sơn mà nó còn tạo luồng gió mới, tạo nên diện mạo mới cho hạ tầng giao thông của địa phương này phát triển theo hướng hiện đại, thuận lợi, an toàn, tạo sự kết nối vùng, liên vùng nhanh và bền vững. Việc đầu tư kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ là cơ sở để Lạng Sơn "hóa giải" những khó khăn về địa lý, rút ngắn khoảng cách phát triển kinh tế, đưa Lạng Sơn bứt phá trong những năm tiếp theo./.