Ông Nguyễn Văn Lâm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sa Thầy khẳng định, qua kiểm tra thực tế nguyên nhân không phải do 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn và một cơ sở sản xuất mủ tời cao su ở phía thượng nguồn suối Đăk Siêr xả thải. Lý do là các nhà máy này đều xử lý nước thải đạt loại A và đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi.

Ngoài ra, nếu nhà máy xả thải gây ô nhiễm thì xã Sa Nhơn, địa bàn nơi đặt nhà máy và thị trấn Sa Thầy nơi suối Đăk Siêr chảy qua cũng sẽ bị ô nhiễm nhưng qua kiểm tra không có việc này. Theo ông Nguyễn Văn Lâm, nguyên nhân là do người dân canh tác sắn ở vùng bán ngập với diện tích khoảng 300ha khi thu hoạch bỏ lại cây, củ, dẫn đến thối rữa tạo váng gây ô nhiễm bốc mùi hôi.

“Nhổ đến đâu nước lên đến đó. Khi nhổ, bà con lại thu hoạch không sạch sẽ. Cây mì, lá mì, rồi củ mì đang nằm trong đó. Có những gia đình lại không kịp thuê người nhổ nữa thì còn để lại dưới đó. Nước dâng lên rồi không thu hoạch được nữa. Cho nên, vấn đề tạo ra tảo xanh vờn vờn ngay đầu cầu đó thì toàn bộ cái này do xác cây mì với củ mì bị ngâm thối do nước dâng lên. Về mùa này gió thổi như thế này nó tấp dần vào, nước dâng lên thì nó dềnh lên không chảy được”, ông Nguyễn Văn Lâm cho hay.

Quan sát thực tế tại khu vực bán ngập cầu Đông Hưng, thuộc thôn Kiến Hưng, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy, nơi người dân canh tác sắn và xảy ra tình trạng ô nhiễm cho thấy, kết quả kiểm tra của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sa Thầy phản ánh đúng thực tế. Tại khu vực này, ở những nơi nước đã rút có rất nhiều thân cây sắn bị người dân bỏ lại sau thu hoạch đã thối rữa hết phần mềm chỉ còn trơ lại phần cứng nhất của thân cây./.