Tính đến 16h ngày 20/6, Việt Nam đã thực hiện tiêm tổng cộng 2.422.643 liều vaccine phòng COVID-19, trong đó, 121.683 người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Riêng trong ngày 20/6, có 60.955 người được tiêm tại 41 tỉnh, thành phố và các cơ sở y tế của Bộ Quốc phòng.
Thông tin cập nhập tiến độ tiêm vaccine COVID-19 tại Việt Nam, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, đến nay, nhiều địa phương trên cả nước đã hoàn thành 2 đợt tiêm chủng, sử dụng an toàn, hiệu quả và kịp thời trong số vaccine được cung ứng. Với vaccine được phân bổ đợt 3, các tỉnh cũng đang thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế về việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, để sớm hoàn thành tiêm chủng đợt 3.
>> Triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất Việt Nam
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, sau hơn 3 tháng triển khai tiêm vaccine COVID-19, đến nay, trong số người đã tiêm có khoảng 14 - 20% có phản ứng sau tiêm. Tỷ lệ này tương đương theo khuyến cáo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Một số phản ứng nặng như phản ứng phản vệ sau tiêm vắc xin đã xảy ra, các cơ sở y tế đã tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế về xử trí phản ứng nặng sau tiêm chủng.
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết: "Vaccine COVID-19 cũng như bất kỳ một loại vaccine nào khác, khi sử dụng sẽ xảy ra một số phản ứng nhất định, bao gồm phản ứng thông thường để cơ thể đáp ứng sinh miễn dịch bảo vệ phòng bệnh; và có thể gặp phản ứng nặng đe dọa sức khỏe và tính mạng người được tiêm chủng nếu không được xử trí kịp thời".
Liên quan đến chỉ định tiêm vaccine COVID-19 cho các đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì...), theo PGS.TS Dương Thị Hồng, đây là nhóm người có nguy cơ cao mắc COVID-19 nặng, nên là đối tượng nguy cơ cần được tiêm vaccine, tuy nhiên chỉ tiêm chủng khi bệnh đã ổn định, các chỉ số đường huyết, mạch, huyết áp ở giới hạn bình thường.
"Người có bệnh lý mạn tính không thuộc đối tượng chống chỉ định tiêm vắc xin phòng COVID-19 hiện nay ở Việt Nam nhưng cần được tư vấn đầy đủ", PGS.TS Dương Thị Hồng lưu ý.
>> Chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất Việt Nam có gì đặc biệt?
Vaccine phòng COVID-19 đang và sẽ được sử dụng ở Việt Nam hiện nay đều được WHO tiền thẩm định, khuyến cáo, đồng thời được Cục quản lý Dược cấp phép lưu hành, được Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế cấp giấy phép xuất xưởng rồi mới đưa vào sử dụng để đảm bảo an toàn và chất lượng của vaccine khi đưa ra sử dụng.
"Chúng tôi khuyến cáo việc sớm được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Đây là yếu tố quan trọng để chủ động phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng. Người dân không nên có tâm lý lựa chọn, chờ đợi vaccine mà bỏ đi cơ hội tiêm chủng sớm", PGS.TS Dương Thị Hồng nhấn mạnh.
Hiện vaccine là một trong những biện pháp chủ động để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Các vaccine phòng COVID-19 hiện nay có hiệu quả bảo vệ từ trên 60 đến trên 90%. Ngoài tác dụng giảm số người nhiễm virus, giảm số trường hợp bị biến chứng do mắc bệnh, vaccine phòng COVID-19 còn giúp giảm số bệnh nhân phải nhập viện điều trị và số ca tử vong.
Việc tiêm vaccine bao phủ 70% dân số để đạt được miễn dịch cộng đồng tại Việt Nam phụ thuộc vào tiến độ cung ứng vaccine và năng lực của hệ thống tiêm chủng. Triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine quy mô lớn nhất trong lịch sử, Bộ Y tế khẳng định, chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 lần này có nhiều điểm mới, nhưng vấn đề an toàn vẫn luôn được đặt lên hàng đầu.
"Điểm khác biệt của chương trình tiêm chủng ở nước ta đối với các nước là tiến hành sàng lọc kỹ tất cả các đối tượng tiêm. Nếu đối tượng tiêm không đảm bảo yêu cầu về sức khoẻ thì họ sẽ được các điểm tiêm trì hoãn tiêm. Các cơ sở tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bộ Y tế cũng đã lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực để sẵn sàng trợ giúp địa phương trên toàn quốc để đảm bảo an toàn tiêm chủng", Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Người đứng đầu ngành y tế cũng cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu cuối năm 2021 - đầu năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng, do vậy, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 gồm cả nỗ lực cố gắng tìm kiếm, đàm phán để có các nguồn vaccine nhập khẩu và đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước./.
>> 10 điều cần nhớ khi tiêm chủng vaccine COVID-19
Vaccine phòng COVID-19 hiện nay đều là vaccine mới, hiệu quả phòng bệnh của vắc xin phòng COVID-19 theo các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất, việc theo dõi về hiệu quả và thời gian bảo vệ của vắc xin vẫn đang được tiếp tục theo dõi và đánh giá.