Tuyến kè biển Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) được xây dựng từ năm 2003 với tổng chiều dài hơn 1 km. Sau gần 20 năm đưa vào sử dụng, thời gian gần đây tuyến kè biển bắt đầu xuất hiện những điểm sạt lở, sụt lún đe dọa đến cuộc sống người dân. Nhiều khu vực của kè biển cũng bị sạt lở, hư hỏng do triều cường, sóng lớn tác động trực tiếp từ mùa lũ năm 2020.

Ông Nguyễn Hữu Hóa (thôn Hải Nam) cho biết, từ sau đợt mưa lớn đầu tháng 4 đến nay, kè biển bảo vệ thôn xuất hiện nhiều điểm sạt lở, có một số nơi ngày càng lan rộng.

“Tuyến kè biển này ngoài việc ngăn nước mặn xâm thực, thì còn là bức tường ngăn cho nước biển đánh vào bờ mỗi khi bão lũ, một số người dân đã lấy đá đắp, sửa chữa bờ kè nhưng không có hiệu quả mấy. Trước diễn biến bất thường của thời tiết như hiện nay, chúng tôi mong muốn tuyến kè nhanh chóng được gia cố để bà con ổn định đời sống, sinh kế của người dân không bị ảnh hưởng khi mùa mưa bão về”, ông Hóa nói.

Theo quan sát của PV, khoảng 300m kè biển tại tuyến kè Cẩm Nhượng xuất hiện hàng chục vị trí sạt lở nguy hiểm. Đặc biệt, tại thôn Hải Nam có những vị trí ngày càng sạt lở nghiêm trọng, chỉ cần gặp sóng biển lớn, áp lực từ những đợt triều cường của bão là cả tuyến kè có nguy cơ bị đánh vỡ.

Điểm sạt lở lớn nhất rộng khoảng 5-7m, kéo theo hàng loạt “hàm ếch” rỗng bên dưới. Do đoạn kè biển này không có đai rừng phòng hộ, nên việc triều cường, sóng lớn sẽ tác động trực tiếp đến thân đê, dễ xảy ra tình trạng sạt lở hoặc vỡ đê.

Trả lời PV VTV News, ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho biết, kè biển được xây dựng gần 20 năm, các cấu kiện bê tông bên trong đã bị bào mòn và hư hỏng. Hệ thống hàng ống bi nằm dưới chân kè có tác dụng chắn sóng cũng đã bị sóng biển đánh bật khỏi vị trí cũ.

“Về lâu dài, chúng tôi sẽ đề xuất xây dựng lại kè biển Cẩm Nhượng. Nếu cứ sửa chữa, gia cố như hiện nay thì sửa chỗ này sóng lại đánh hư hỏng chỗ khác, sửa chữa những điểm sạt lở chỉ là giải pháp tạm thời”, ông Hùng nói.

Một số hình ảnh kè biển Cẩm Nhượng sạt lở được PV ghi nhận: