Ở tỉnh Gia Lai, xe chở hàng quá khổ, quá tải là một trong những nguyên nhân làm giảm tuổi thọ công trình hạ tầng giao thông, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cao. Để ngăn chặn tình trạng này, lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai đã và đang đồng loạt tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 

Qua mùa xe chở mía, chở sắn quá tải, một số địa phương ở Gia Lai xuất hiện nhiều xe chở rơm quá khổ. Để tránh né lực lượng chức năng, các xe thường hoạt động vào ban đêm. Khi bị phát hiện, xử lý vi phạm, các tài xế lại nêu lý do giá xăng dầu quá cao nên phải cơi nới xe, chở thêm hàng để bù chi phí.

Một trong số đó là tài xế Đào Đức Thanh (trú tại thị xã Ayun Pa), bị phát hiện khi chở rơm từ huyện Kông Chro đi thị xã An Khê cho biết: "Do giá dầu tăng quá, tụi em cũng kiếm miếng cơm nên chắc xe cũng quá khổ một tí. Đường xa nên tụi em không dám đi ban ngày, chỉ tối khuya tụi em mới dám đi”.

Ghi nhận thực tế tại Trạm cân cố định được lắp đặt tại Km 1627 trên đường Hồ Chí Minh qua Gia Lai, cho thấy sự phức tạp của hành vi cố tình chở quá khổ, quá tải của các tài xế. Hầu hết các xe khi bị bắt buộc vào cân đều cho kết quả vượt tải trọng cho phép từ 10- 30%. Chỉ trong khoảng 2 tuần qua, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 80 trường hợp vi phạm về tải trọng, tiến hành lập biên bản và xử phạt trên 700 triệu đồng. Quá trình kiểm tra tải trọng tại đây, nhiều trường hợp lái xe biết mình chở quá tải vẫn có thái độ chây ỳ, không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng chức năng.

Trung tá Nguyễn Phương Nam- Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1- Phòng Cảnh sát giao thông- Công an tỉnh Gia Lai cho biết: “Đội cảnh sát giao thông đường bộ số 1 đã triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, trong đó tăng cường xử lý về tải trọng phương tiện. Qua thực tế công tác, đối với vi phạm về tải trọng phương tiện thì mức xử phạt cao, do đó lái xe và chủ xe khi biết có lực lượng hoạt động trên tuyến thì thường xuyên né tránh, không qua các tuyến đường có trạm cân. Đối với các trường hợp vi phạm hoặc có biểu hiện chống đối thì chúng tôi kiên quyết xử lý, trong đó tập trung vận động tuyên truyền đối với người vi phạm để người vi phạm tự nhận thấy lỗi vi phạm của cá nhân mình”

Việc kiểm soát xe quá khổ, quá tải tại Gia Lai dù được triển khai rất quyết liệt, tuy nhiên ý thức chấp hành của tài xế, chủ xe chưa cao khiến công tác kiểm soát quá khổ, quá tải của tỉnh Gia Lai vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Thiếu tá Trần Nam Phương, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh Gia Lai, cho biết, đơn vị sẽ nỗ lực bằng nhiều biện pháp để nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông.

"Trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát giao thông sẽ chỉ đạo các đội kĩ thuật nghiệp vụ tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý theo các chuyên đề như chuyên đề về xử lý xe quá khổ quá tải, cơi nới kích thước thành, thùng xe, chuyên đề về vi phạm nồng độ cồn, các chất kích thích khi tham gia giao thông. Phòng Cảnh sát giao thông cũng sẽ tăng cường công tác phối hợp với công an các huyện, các địa phương trên tuyến để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật giao thông, tập trung xử lý trong các giờ cao điểm để nâng cao hơn ý thức trong việc chấp hành luật giao thông đường bộ để giảm thiểu tối đa các vụ tai nạn giao thông”, Thiếu tá Trần Nam Phương chia sẻ./.