Phát biểu tại hội nghị cấp cao Thành phố thông minh Việt Nam - ASOCIO 2021 diễn ra ngày 2/11, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Huy Dũng cho biết, trong những năm gần đây, vấn đề phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của nhiều địa phương trên cả nước.
Bộ TT&TT có sứ mệnh dẫn dắt quá trình Chuyển đổi số quốc gia
Một số địa phương đã triển khai và đạt được kết quả ban đầu, tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến chúng ta cần xem xét và nhìn nhận lại rõ ràng hơn.
“Đại dịch đã cho ta bài học đắt giá nhưng cũng vô cùng quý giá để chúng ta cùng nhìn nhận lại một cách nghiêm túc những hạn chế, tồn tại và định hướng triển khai trong thời gian tới. Những thành phố từng được coi là thông minh nhất nhưng gần như đã bất lực, không thể bảo vệ được tính mạng và sức khỏe của người dân trước sự lây lan của dịch bệnh”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nêu rõ.
Theo Thứ trưởng Dũng, Bộ TT&TT với sứ mệnh dẫn dắt và định hướng quá trình Chuyển đổi số quốc gia nói chung, trong đó bao gồm công nghệ thông tin (CNTT) cho phát triển thành phố thông minh, đã rất nỗ lực, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương và một số cơ quan quốc tế để thúc đẩy triển khai đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam.
Bộ đã sớm ban hành một số văn bản hướng dẫn tạo khung pháp lý trong lĩnh vực ICT cho phát triển đô thị thông minh bao gồm Khung tham chiếu ICT, Bộ chỉ số KPI phát triển đô thị thông minh và các nội dung về ứng dụng CNTT để cung cấp các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh.
“Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia, chúng tôi quan niệm rằng phát triển đô thị thông minh cũng chính là quá trình thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi đô thị, thành phố đó. Phát triển đô thị thông minh không thể tách rời mà phải gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương”, ông Dũng khẳng định.
Đô thị thông minh là xu thế tất yếu
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cho rằng xây dựng thành phố, đô thị thông minh không chỉ là xu thế tất yếu mà là nhu cầu, bức thiết của các đô thị tại Việt Nam và trên thế giới.
Đại dịch Covid-19 bùng phát gần 2 năm qua thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình xây dựng, phát triển thành phố thông minh với nhiều bài toán về thu thập, quản lý dữ liệu, giải pháp cho phòng chống dịch, quy hoạch, vận hành, quản lý cho các tỉnh, thành phố đặc biệt trong giai đoạn phục hồi và phát triển.
Cùng với chuyển đổi số, thành phố thông minh đang trở thành phương thức phát triển mới của các đô thị trong kỷ nguyên thông minh hóa, giúp các đô thị tối ưu hoá các nguồn lực, phát triển bền vững, đem lại an toàn, tiện ích hơn cho người dân và phát triển kinh tế xã hội phồn vinh, thịnh vượng.
“Hội nghị lần này lại càng có nhiều ý nghĩa khi trao đổi, thảo luận về vấn đề phục hồi và tăng trưởng trong bối cảnh các quốc gia đang phải chống chọi với sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã để lại những hậu quả to lớn mà trong đó, những thành phố, đô thị, nơi có đông dân cư sinh sống là những chỗ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất”, Chủ tịch VINASA chia sẻ.
Theo ông Lê Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất ba đô thị thông minh tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung. Đến năm 2030 sẽ hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Trong đó, giai đoạn 2020-2025 tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý áp dụng cho các khu vực triển khai đô thị thông minh. Tiếp đó là thí điểm trước nhân rộng ồ ạt.
“Đô thị thông minh ngoài những lợi thế đem lại thì kèm theo không ít rủi ro liên quan đến bảo mật, công nghệ… Công nghệ thay đổi từng ngày, nếu lựa chọn cách tiếp cận không đúng, ta có thể tốn kém lượng lớn nguồn lực mà hiệu quả không đạt như kỳ vọng. Vì thế, các tỉnh cần có lộ trình thích hợp với đặc điểm riêng của đô thị của mình để tiến hành một cách bài bản”, ông Trung khuyến cáo./.