Phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Đà Nẵng có tổng diện tích khoảng 129.046 ha.  Theo quy hoạch này, Đà Nẵng là đô thị loại I trực thuộc trung ương, trung tâm kinh tế lớn của quốc gia về du lịch, công nghiệp, thương mại, dịch vụ tài chính ngân hàng, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia; Là trung tâm văn hóa thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, trung tâm khoa học kỹ thuật và công nghệ của khu vực miền Trung và Tây Nguyên; Là đầu mối giao thông, viễn thông quan trọng trong vùng, quốc gia và quốc tế; Là một trong những địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.

Mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; Là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước;  Trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; Thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; Trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.

Tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, thông minh, sáng tạo, bản sắc, bền vững.

Dự báo đến năm 2030, dân số Đà Nẵng khoảng 1,79 triệu người, trong đó dự báo dân số thường trú, tạm trú khoảng 1,56 triệu người. Đến năm 2045 khoảng 2,56 triệu người

Diện tích đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 31.836 ha, chiếm khoảng 32,31% diện tích đất trên đất liền. Diện tích đất xây dựng đô thị đến năm 2045 khoảng 35.054 ha, chiếm khoảng 35,57% diện tích đất trên đất liền.

Mô hình và cấu trúc phát triển không gian Đà Nẵng được gắn với cảnh quan đặc trưng theo 3 vùng đô thị, gồm vùng Ven mặt nước, vùng Lõi xanh, vùng Sườn đồi và 1 vùng sinh thái, gồm khu vực rừng, núi, đồi phía Tây và phía Bắc, khu du lịch quốc gia Sơn Trà và huyện Hoàng Sa, các sông và hồ cùng với đường bờ biển trong vùng sinh thái.

Đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, Đà Nẵng sẽ hình thành 2 vành đai kinh tế gồm Vành đai phía Bắc - Vành đai Công nghiệp công nghệ cao và Cảng biển - Logistics; Vành đai phía Nam - Vành đai Đổi mới sáng tạo và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đà Nẵng sẽ điều chỉnh cấu trúc đô thị đơn tâm (Thanh Khê và Hải Châu) thành phát triển đa cực, bổ sung 4 cụm việc làm ưu tiên tập trung gồm Cụm Công nghiệp công nghệ cao; Cụm Cảng biển và Logistics; Cụm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Cụm Đổi mới sáng tạo.

Quy hoạch cũng xác định phát triển du lịch trên toàn Thành phố với trọng tâm ven Bờ Đông (ven biển Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn) và vịnh Đà Nẵng với các đặc điểm mặt nước tự nhiên, di sản văn hóa và dịch vụ du lịch đường thủy; du lịch sinh thái khu vực đồi núi phía Tây, phía Bắc và bán đảo Sơn Trà để tận dụng cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Mô hình phát triển của Đà Nẵng được xác định là phát triển các trung tâm phân tán, gồm: Trung tâm đô thị gắn với Trung tâm Thành phố; Trung tâm dịch vụ Công nghệ cao tại khu vực Tây Bắc Thành phố; Trung tâm thương mại dịch vụ gắn với Ga đường sắt mới; Trung tâm Đổi mới sáng tạo tại phía Nam thành phố.

Về định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội, Quy hoạch mới này xác định, Hệ thống trung tâm hành chính, cơ quan bao gồm các chức năng chính trị và hành chính quan trọng như các cơ quan Đảng, chính quyền và các cơ quan khác, quy mô diện tích đất khoảng 43 ha. Trung tâm hành chính Thành phố tại quận Hải Châu, quy mô diện tích đất khoảng 1,1 ha; bổ sung các chức năng hành chính khác, một số sở, ban, ngành phân tán về các khu vực; Tiếp tục cải tạo, nâng cấp hệ thống trung tâm hành chính, cơ quan cấp quận, huyện với quy mô diện tích đất khoảng 27 ha, trong đó Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa là đơn vị hành chính đặc thù, thực hiện hoạt động đấu tranh, bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: Tập trung đầu tư, hoàn thành các dự án trọng điểm gồm: Tổ hợp trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí tổng hợp; Công viên văn hóa và vui chơi giải trí phía Đông Nam Đài tưởng niệm; Khu sân golf VinaCapital Đà Nẵng; Khu Tổ hợp công trình phục vụ lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng; Công viên chuyên đề phía Nam bán đảo Sơn Trà; Quần thể du lịch sinh thái Bà Nà – Suối Mơ, Khu du lịch Bà Nà Hills; Khu du lịch nghỉ dưỡng tổng hợp Làng Vân; Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula. Hình thành các trung tâm thương mại tầm cỡ quốc gia, quốc tế; hình thành tuyến phố thương mại, tài chính; thành lập khu phi thuế quan nằm trong Khu phức hợp đô thị, thương mại, phi thuế quan.

Tập trung phát triển công nghệ cao với quy mô diện tích đất khoảng 1.710 ha; Chú trọng phát triển các trung tâm logistics và kho bãi với quy mô diện tích đất khoảng 229 ha, bao gồm: Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu, Trung tâm logistics ga Kim Liên mới, Trung tâm logistics Khu Công nghệ cao, Trung tâm logistics Hòa Nhơn, Trung tâm logistics cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, các trung tâm logistics nhỏ lẻ và kho bãi khác.

Quy mô diện tích đất nông nghiệp của Đà Nẵng được quy hoạch khoảng 4.619 ha. Hình thành khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nằm ở phía Tây Nam Thành phố, có chức năng như trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, đào tạo, trình diễn, chuyển giao ứng dụng công nghệ cao và sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp gắn với phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ và chuyên canh, sinh thái kết hợp du lịch.

Về Giáo dục - Đào tạo sẽ mở rộng các trường đại học, cao đẳng, trung tâm nghiên cứu đào tạo hiện có, tập trung ở phía Nam Thành phố, đặc biệt là Làng Đại học Đà Nẵng để tạo thành Khu đô thị Đại học mới. Hình thành mới một số cơ sở đào tạo, dạy nghề, viện nghiên cứu chuyên ngành tại phân khu Công nghệ cao. Quy mô diện tích đất trung tâm nghiên cứu đào tạo khoảng 569 ha.

Các thiết chế văn hóa được phân bố phân tán trong thành phố và trung tâm khu đô thị. Duy trì, cải tạo, nâng cấp các thiết chế đã có như thư viện, nhà hát, rạp chiếu phim và trung tâm biểu diễn,... Đầu tư mới các thiết chế văn hóa cấp thành phố bao gồm các công viên biển dọc vịnh Đà Nẵng và Bờ Đông, Nhà hát lớn thành phố, Trung tâm văn hóa thành phố, Quảng trường trung tâm thành phố, Công viên văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn,... để phục vụ người dân và du khách,

Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định cụ thể về tổ chức không gian đô thị; Các trục không gian, cảnh quan, không gian mở; Các điểm nhấn đô thị; Tổ chức mạng lưới không gian xanh; Tổ chức không gian mặt nước; Các chỉ tiêu kiểm soát phát triển; Định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật; Hệ thống giao thông công cộng. Trong đó đáng chú ý là tiếp tục nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đạt công suất 30 triệu hành khách mỗi năm, cấp 4E, là cảng hàng không cửa ngõ quốc tế, quy mô diện tích đất dự kiến khoảng 856 ha.

Phát triển, mở rộng đồng bộ các công trình cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không theo quy hoạch để trở thành trung tâm logistics chuyên dụng; Quy hoạch hành lang tuyến cho đường sắt tốc độ cao và đường sắt quốc gia chạy song song về phía Đông đường bộ cao tốc; Xây dựng nhà ga đường sắt mới đạt công suất 10 triệu hành khách/năm, diện tích khoảng 30 ha, Depot diện tích khoảng 60 ha, tại khu vực phía Bắc nút giao giữa đường Bà Nà - Suối Mơ với đường bộ cao tốc, gắn với việc hình thành hệ thống trung tâm thương mại dịch vụ, là động lực phát triển khu vực phía Tây Thành phố. Xây dựng nhà ga hàng hóa tại khu vực Kim Liên để kết nối với cảng Liên Chiểu; Đầu tư xây dựng mới cảng Liên Chiểu công suất đạt 50 triệu tấn/năm, diện tích khoảng 450 ha (bao gồm cả phần mặt nước); diện tích hậu cần cảng khoảng 195 ha. Cảng Tiên Sa sẽ được chuyển dần thành cảng du lịch sau khi cảng Liên Chiểu đi vào hoạt động.  

Dự kiến nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn 2020 - 2030 bao gồm nguồn đầu tư từ ngân sách Thành phố, nguồn ngân sách Trung ương và các nguồn vốn khác. Giai đoạn 2030 đến 2045 sẽ tái thiết hoàn chỉnh khu đô thị hiện tại, các vùng đất dự trữ ở phía Nam và phía Tây cũng được phân vùng để sử dụng phù hợp. 

Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Tổ chức công bố công khai đồ án quy hoạch được duyệt; Tổ chức rà soát và lập các chương trình, khu vực và kế hoạch phát triển đô thị; các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị; các quy hoạch nông thôn, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật kể cả quy hoạch không gian ngầm, quy hoạch cảng hàng không quốc tế phù hợp với Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được duyệt; Tổ chức lập và ban Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Đà Nẵng, làm cơ sở cho quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn Thành phố; Xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến tài chính, đất đai để thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư.

Thủ tướng đề nghị Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ Xây dựng hướng dẫn và thường xuyên, định kỳ giám sát việc thực hiện Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các bộ, ngành phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng trong việc xây dựng cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Triển khai thực hiện hệ thống cơ sở hạ tầng khung chính của Thành phố, sân bay, bến cảng Liên Chiểu và các công trình quan trọng, thiết yếu…; Triển khai thực hiện các quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị tại địa phương, đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục cân đối bố trí vốn để đầu tư phát triển bến cảng Liên Chiểu./.