Để chủ động trong việc sắp xếp bố trí, UBND thành phố đã đề nghị UBND TP.HCM hỗ trợ phân công cơ quan đầu mối lập danh sách các công dân là người Cần Thơ có nhu cầu về TP Cần Thơ; tạo điều kiện xét nghiệm tập trung cho các công dân nêu trên trước khi về; Bố trí địa điểm tập kết, tạo điều kiện để các công dân đến địa điểm tập kết và từ nơi tập kết ra khỏi TP.HCM.

UBND thành phố Cần Thơ sẽ bố trí xe đến địa điểm tập kết do UBND TP.HCM chỉ định để đón công dân và đưa về khu cách ly tập trung tại thành phố Cần Thơ. Khả năng thành phố Cần Thơ có thể bố trí đáp ứng khoảng 400 công dân.

Ngay trong chiều 26/7, trao đổi với phóng viên VOV, ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ chia sẻ, hiện UBND thành phố đã giao cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội làm đầu mối phối hợp với các đơn vị để lên phương án về số lượng người về, nơi cách ly…. Phương án cụ thể phải được khẩn trương hoàn thiện để trình UBND thành phố xem xét.

“Bây giờ mới bắt đầu xây dựng phương án, UBND giao trình trước ngày 28/7 này và Sở Lao động -Thương binh và Xã hội sẽ làm phương án này. Còn về các khu cách ly của thành phố, hiện thành phố có tổng cộng 39 khu cách ly với khả năng đáp ứng, sức chứa là hơn 5.000 giường và hiện đang cách ly 2.106 người còn khả năng tiếp nhận tiếp là 2.960 người”- ông Hiển cho biết thêm. 

Theo UBND thành phố, ngoài gửi văn bản cho TP.HCM thì TP Cần Thơ cũng đã gửi văn bản cho tỉnh Bình Dương để nhờ hỗ trợ đón người dân TP Cần Thơ ở Bình Dương về. Theo đó, thành phố dự kiến, sẽ đón số người ở Bình Dương trở về khoảng 600 người, từ TP.HCM khoảng 400 người, tổng cộng là khoảng 1.000 người, được bố trí vào khu cách ly tập trung.

Đến thời điểm này, thành phố có 5 bệnh viện dã chiến đi vào hoạt động, là bệnh viện dã chiến Cái Răng, Bình Thủy, Thới Lai, Quân Dân Y và bệnh viện dã chiến Thốt Nốt với tổng quy mô là 850 giường đã được kích hoạt và tiếp nhận bệnh nhân./.