Khu dân cư dưới chân núi Gành, thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát có 36 hộ dân với 128 nhân khẩu sinh sống. Đây là khu vực nguy cơ sạt lở rất cao, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân. Việc di dời, tái định cư các hộ dân tại khu vực núi Gành đến nơi ở mới là yêu cầu cấp bách của địa phương. Đầu năm nay, UBND huyện Phù Cát đã đầu tư xây dựng khu tái định cư đảm bảo các điều kiện hạ tầng cách khu dân cư hiện tại khoảng 300m. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và một số vướng mắc trong việc bố trí, tái định cư nên 36 hộ dân ở khu vực núi Gành vẫn chưa chuyển đến nơi ở mới.
Bà Trần Thị Liên, ở xóm Núi Gành, xã Cát Minh, huyện Phù Cát lo lắng, điểm sạt lở núi Gành cách nhà của bà khoảng 50 mét, nhiều tảng đá hàng chục tấn theo đất sạt lở ngay phía sau lưng nhà chực chờ trôi xuống. Hai năm trở lại đây, tình trạng sạt lở diễn ra mạnh hơn khi mưa lớn kéo dài.
Bà Liên mong được di dời càng sớm càng tốt: “Sạt lở suốt khiến tôi sợ hãi. Nhiều lúc đất đá sạt lở xuống người bỏ chạy, nhà cửa để đấy. Những ngày gần đây mưa nhỏ không phải di dời, những ngày tiếp theo có mưa lớn chính quyền di dời ngay vì nửa đêm gà gáy sạt lở. Chừng nào hết mưa, yên ổn rồi mới cho người dân quay về”.
Tại tỉnh Bình Định hiện còn 11 địa điểm nguy cơ sạt lở cao. Trong đó, huyện Hoài Ân có 4 khu vực, huyện An Lão 3 khu vực, huyện Vĩnh Thạnh 2 khu vực và thành phố Quy Nhơn còn 2 khu vực. Các địa phương đều xây dựng kịch bản di dời người dân vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn khi xảy ra mưa lớn.
Cuối tháng 10 vừa qua, mưa lớn gây sạt lở 3 điểm trên đường từ xã An Trung lên xã An Vinh. Đến nay UBND huyện An Lão mới tạm khắc phục các điểm sạt lở trên tuyến này để xe máy đi lại. Ông Trương Tứ, Chủ tịch UBND huyện An Lão, tỉnh Bình Định cho biết, các khu vực đồi núi trên địa bàn đã ngấm nước, chỉ cần mưa lớn sẽ tiếp tục gây sạt lở: “Sau đợt mưa vừa rồi ảnh hưởng rất lớn, đường tránh hồ Đồng Mít hiện nay sạt lở rất nhiều đoạn. Số lượng đất đá tương đối lớn, bởi vì đây là tuyến đường mới mà độ dốc cao, bây giờ chỉ khắc phục tạm thời để bà con đi lại bằng phương tiện xe thô sơ. Xe ô tô bây giờ vẫn chưa đi lên được".
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh đã có chủ trương di dời dân ở 12 khu vực nguy cơ sạt lở cao. Mùa mưa bão năm nay, các huyện sẵn sàng phương án di dời tạm, không để người dân ở trong khu vực nguy hiểm, mất an toàn: “Di dời dân trong điều kiện dịch Covid-19, chúng ta triển khai như mọi năm vấn đề phát sinh dịch bệnh sẽ nhân rộng. Để đảm bảo được an toàn, ưu tiên hàng đầu lồng ghép các hộ dân bên cạnh, những nhà cửa kiên cố thì có thể bố trí. Trường hợp còn lại không bố trí được thì mới định hướng việc di dời tập trung vào các cơ sở công cộng. Khi vào đó, tùy vào thời điểm mà chúng ta áp dụng theo hướng dẫn của Sở Y tế, cũng như Trung tâm y tế của địa phương”./.