Sóc Trăng là một trong những tỉnh có lao động, học sinh, sinh viên trở về địa phương từ các tỉnh, thành như TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương… số lượng lớn, với hơn 40.000 người. Thấu hiểu những khó khăn của những người dân khi phải trở về quê, vợ chồng anh Trần Phước Lành và chị Huỳnh Thị Thu Hằng ở ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Châu Thành đã tham gia nấu cơm hỗ trợ khu cách ly để cùng các cấp chính quyền địa phương chăm lo tốt cho người dân.

Cứ khoảng 8h sáng hằng ngày, một nhóm khoảng 10 người lại tất bật với công việc nấu ăn tại bếp ăn của gia đình anh Trần Phước Lành và chị Huỳnh Thị Thu Hằng. Bếp ăn này được gia đình anh Lành thành lập để cùng chung tay với chính quyền địa phương hỗ trợ những suất ăn đến người dân đang thực hiện cách ly y tế.

Anh Trần Phước Lành cho biết, từ đầu tháng 10 đến nay, có rất đông bà con Sóc Trăng là người dân lao động từ các tỉnh, thành trở về quê; và theo quy định phòng, chống dịch thì bà con phải thực hiện cách ly y tế. Chia sẻ nỗi khó khăn của bà con phải rời bỏ nơi làm việc trở về quê, hai vợ chồng anh đã bàn nhau cần phải đóng góp công sức để cùng với địa phương chăm lo tốt hơn cho bà con yên tâm cách ly.

Thế là bếp ăn cũng bắt đầu đỏ lửa từ đó, anh Trần Phước Lành nói: “Bà con đa số lao động nghèo, đi làm ăn từ thành phố Hồ Chí Minh về toàn hộ nghèo không à, tập trung bà con vào khu cách ly. Xuất phát từ cái tâm, mình thấy nhà nước chăm lo cho dân thành ra mình mới quyên góp tất cả các mạnh thường quân mỗi người một ít nấu ăn cho những người trong khu cách ly, mỗi ngày nấu đổi món thường xuyên để người dân ăn có sức khỏe, góp phần cùng với chính quyền địa phương tham gia công tác phòng, chống dịch”.

Để bếp ăn hoạt động ổn định, thì ngoài 4 thành viên của gia đình, vợ chồng anh Lành còn vận động một số bà con xung quanh đến phụ giúp. Ngoài ra, các mạnh thường quân cũng hỗ trợ nhiều gạo, rau củ quả, bánh, trái cây… giúp chế biến được nhiều món canh, xào và món mặn, đầy đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh và đảm bảo sức khỏe cho bà con.

Chị Huỳnh Thị Thu Hằng tâm sự, cứ đúng 16h hằng ngày, là 130 phần cơm được các tình nguyện viên đến lấy để trao cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và những người dân đang cách ly tập trung trên địa bàn xã. Việc làm này tuy cực mà vui, ý nghĩa, đây cũng là hoạt động mà người dân như vợ chồng chị cần phải làm để tham gia cùng địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay.

“Ông xã cũng đồng lòng nấu cơm, mình thì đi chợ, hai vợ chồng rất đồng lòng, hằng ngày mình thay đổi các món ăn để bà con ăn có khẩu vị ngon thật ngon để bà con có sức khỏe phòng, chống dịch thật tốt để trở về với gia đình thân yêu của mình”, chị Huỳnh Thị Thu Hằng cho biết.

Ngoài hỗ trợ các suất cơm, từ khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, vợ chồng anh Lành và chị Hằng còn kết nối nhiều cá nhân ủng hộ gần 20 tấn gạo, 700 thùng mì gói và một số nhu yếu phẩm khác, hỗ trợ cho hộ nghèo, người gặp khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 ở các xã An Hiệp, Phú Tân, Hồ Đắc Kiện, Thuận Hòa và thị trấn Châu Thành với tổng số tiền trên 350 triệu đồng. Anh Trần Phước Lành cũng là trưởng nhóm từ thiện “cuộc sống hãy nghĩ đến người khác”, nhóm từ thiện này được kết nối với nhiều cá nhân, mạnh thường quân trong và ngoài nước, nhằm hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, trẻ em khuyết tật, xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Hiệp, nhận xét: “Gia đình anh Trần Phước Lành đã vận động, hỗ trợ nhiều suất ăn cho bà con và cho Ban Chỉ đạo xã để chung tay hỗ trợ cho bà con kịp thời để bà con thực hiện việc cách ly tập trung. Trong thời gian tới Ban Chỉ đạo xã tập trung rà soát lại những người đã được cách ly tập trung và cách ly tại nhà sau khi cách ly xong thì chung tôi cũng sẽ tìm hiểu hỗ trợ vật dụng nhu cầu thiết yếu cho người dân còn khó khăn”.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, đôi vợ chồng anh Trần Phước Lành và chị Huỳnh Thị Thu Hằng đã không vì cuộc sống bản thân mà đã sẻ chia cùng người dân gặp khó khăn trên địa bàn huyện Châu Thành nói riêng và người dân trở về từ vùng dịch nói chung cùng vượt qua khó khăn trong cuộc sống, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường mới./.