Trưởng Ban Thực hiện Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) Lê Văn Phúc cho biết, thời gian qua, người tham gia BHYT cũng bị ảnh hưởng bởi vấn đề thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, những dịch vụ kỹ thuật như máy đặt, máy mượn cung cấp dịch vụ.

Một số tỉnh rất thiếu thuốc như: Bắc Giang, Bình Dương, Hà Nam, Cần Thơ, Đắk Lắk, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bạc Liêu.

Ông Phúc cũng cho biết, nguyên nhân thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế đã được nêu ra và Thường trực Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN) đã họp bàn, phân tích, gỡ vướng liên quan đến mua sắm đấu thầu, đặc biệt là cơ chế chính sách. Về phía BHXHVN trách nhiệm chính là phối hợp với các bộ, ngành đặc biệt là Bộ Y tế.

Theo ông Phúc, những năm qua người bệnh BHYT tại Việt Nam được bảo đảm quyền lợi khá tốt, về dịch vụ kỹ thuật hiện có gần 10.000 dịch vụ đủ điều kiện được thanh toán theo chế độ BHYT. Các dịch vụ được triển khai, thanh toán từ các trạm y tế xã đến các bệnh viện tuyến Trung ương… đều được thanh toán.

“Người đóng BHYT cao hay thấp cũng được thanh toán, thậm chí đối tượng yếu thế, được Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT thì tỉ lệ chi trả cũng khá cao như trẻ em dưới 6 tuổi được chi trả 100%, người nghèo 100%...”, ông Phúc nói về sự ưu việt của chính sách BHYT.

Về gói dịch vụ y tế cơ bản có cần thiết phải chi trả BHYT hay không? Ông Phúc nêu lên thực tế trong bối cảnh hiện nay, người dân đến các trạm y tế xã còn khiêm tốn, với điều kiện di chuyển dễ dàng như hiện nay đi lên các bệnh viện tuyến Trung ương nên dễ dàng bỏ qua các trạm y tế xã.

Quyền lợi về thuốc tại Việt Nam cũng rất tốt, danh mục thuốc có 2 danh mục: Danh mục thuốc tân dược, thuốc hóa dược, sinh phẩm thuốc phóng xạ trong đó có 1.030 thuốc hóa dược, sinh phẩm và 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu.

Trong đó có 136 hoạt chất/thuốc được quy định điều kiện chỉ định ưu tiên trong một số trường hợp; 25 hoạt chất được quy định tỷ lệ thanh toán (30%, 50%, 60%, 70%) và 31 hoạt chất được quy định cả điều kiện chỉ định và tỉ lệ thanh toán. Đây chủ yếu là các hoạt chất thuộc nhóm thuốc có giá thành cao, chi phí lớn hoặc thuốc thế hệ mới cần được sử dụng theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị để đảm bảo tính chi phí hiệu quản, mặt khác thuộc nhóm thuốc đã có nhiều hoạt chất khác có tác dụng tương tự được quỹ BHYT thanh toán 100%.

Ngoài danh mục thuốc tân dược, ông Phúc còn cho biết có thêm danh mục thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT, bao gồm 349 vị thuốc y học cổ truyền; 229 thuốc cổ truyền, thuốc từ dược liệu với khoảng trên 1.200 chế phẩm.

Bên cạnh đó, theo các văn bản quy định về việc phân loại dịch vụ phẫu thuật, thủ thuật, có khoảng trên 19.000 dịch vụ kỹ thuật được Bộ Y tế quy định cho phép thực hiện tại Việt Nam. Theo BHXH Việt Nam, trong 19.000 dịch vụ nêu trên có nhiều dịch vụ cùng tên hoặc khác tên nhưng cùng bản chất, cùng quy trình được sắp xếp tại nhiều chuyên khoa khác nhau dẫn đến trùng lặp; danh mục cũng bao gồm nhiều dịch vụ không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ như dịch vụ thẩm mỹ, làm răng giả…; có một số dịch vụ chưa được quy định mức giá thanh toán.

Phó Tổng Giám đốc BHXHVN Đào Việt Ánh cũng cho biết, từ khi Chính phủ công nhận Ngày BHYT Việt Nam, công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT có bước phát triển mới, nổi bật là tỷ lệ người dân tham gia BHYT có sự tăng trưởng vượt bậc qua các năm.

“Năm 2009, thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTg, tỷ lệ người dân tham gia BHYT mới đạt 57% dân số, đến hết năm 2021, độ bao phủ đã đạt khoảng 91% dân số. Chính sách BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong đời sống xã hội”, ông Đào Việt Ánh nói./.