Trong những ngày này, tại các vùng trồng hoa Tết tỉnh Phú Yên, đâu đâu cũng vương vãi chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Kể từ sau đợt mưa bão tháng trước, hầu như loài hoa, cây cảnh nào cũng bị sâu bệnh. Hoa cúc thì bị nấm, quất thì vàng lá, rụng trái…

thuoc_bvtv_vov_vfmw.jpg
Người dân phun thuốc trồng hoa trong khu dân cư

Điều đáng nói ở đây là vùng trồng hoa Tết lại nằm giữa khu dân cư, hàng ngày, nhiều người dân sống xung quanh khu vực trồng hoa phải hít thở chất độc từ thuốc bảo vệ thực vật ở mức độ đậm đặc.

Hai tháng nữa là đến thời điểm xuất bán hoa Tết, không thể bỏ dở nên nhà vườn nào cũng cố chữa trị sâu bệnh và cách cứu chữa phổ biến là phun thuốc bảo vệ thực vật…

Ông Nguyễn Thanh Tâm, người trồng hoa ở phường 9, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết: “Ba ngày, phun thuốc một lần. Nói chung là nguyên cả làng, ai cũng sử dụng nên tôi cũng sử dụng”.

Các gia đình xung quanh hộ trồng hoa đều chịu ảnh hưởng của mùi thuốc bảo vệ thực vật

Điều đáng nói là mức độ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở thành phố Tuy Hòa rất dày đặc.

Trong khi đó, hoa, cây cảnh phục vụ thị trường Tết được trồng ngay tại khu dân cư đông người.

Những hộ dân sống ở vùng trồng hoa thường xuyên đóng cửa. Nhưng các gia đình khó mà tránh được mùi thuốc bảo vệ thực vật xông vào tận nhà, nhất là thời điểm chiều xuống, nhiều người trồng hoa cùng phun thuốc.

Bà Trần Thị Điểm và bà Nguyễn Thị Tuyết ở phường 9, thành phố Tuy Hòa nói: “Tất nhiên, việc phun thuốc là ảnh hưởng rồi nhưng đã làm thì chúng tôi không biết làm sao”.

Ông Trần Đình Quang, Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh Tổng hợp Nông nghiệp phường 9, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cho rằng, mức độ ô nhiễm bởi thuốc bảo vệ thực vật sẽ giảm nếu khu trồng hoa, cây cảnh được tách biệt với khu dân cư.

“Hợp tác xã cũng đề xuất thành phố quy hoạch cho 10 ha để bà con thành lập hội trồng hoa cây cảnh, giữ quỹ đất này lại; đồng thời phát triển nghề truyền thống trồng hoa cây cảnh địa phương. Tuy nhiên, việc này không được thành phố cho phép”./.