Ngày 7/3, tại Hà Nội, Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã tổ chức Diễn đàn Đối thoại chính sách về bình đẳng giới nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2014.

Diễn đàn nêu cao tầm quan trọng của bình đẳng giới cho sự phát triển của tất cả các cá nhân trong xã hội, biểu dương những thành tựu và đẩy mạnh quá trình thực hiện các Mục tiêu Thiên niên Kỷ (MDGs) cho phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam, trong bối cảnh sắp hết thời hạn của các MDGs đang gần kề.

Các đại biểu cho rằng, việc đưa bình đẳng giới vào các mục tiêu phát triển bền vững và chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 là rất cần thiết, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới thực chất và đảm bảo quyền con người của phụ nữ trên mọi lĩnh vực.

img_7094.jpg
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các đại biểu tham gia Đối thoại về bình đẳng giới

Các đại biểu đánh giá cao những tiến bộ vượt bậc của Việt Nam trong việc thực hiện các MDGs, như giảm nghèo và xóa bỏ chênh lệch giới tính trong giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; đồng thời xác định những trở ngại của Việt Nam trong việc thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em gái. Bình đẳng giới không chỉ là vấn đề đòi hỏi sự đối xử công bằng và tôn trọng những quyền nhân quyền cơ bản, mà còn là sự tiến bộ của xã hội và có ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực khác như tăng trưởng kinh tế, y tế, giáo dục, chống phân biệt đối xử và chăm sóc trẻ em.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Đối thoại năm nay nhằm hưởng ứng chủ đề chính của khóa họp lần thứ 58 của Ủy ban Địa vị phụ nữ của Liên Hợp Quốc về “Những thách thức và thành tựu trong việc thực hiện MDGs”.

Bộ trưởng khẳng định: Trong những năm qua, Việt Nam luôn coi trọng xây dựng và phát triển các chính sách, chương trình cụ thể nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ. Điều đó được thể hiện qua việc tăng cường công tác lồng ghép giới trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế và Chiến lược, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới từ cấp Trung ương đến địa phương.

Một số chính sách mới được ban hành gần đây đã góp phần hoàn thiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới như: tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ từ 4 tháng lên 6 tháng, có văn bản chỉ đạo tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào vị trí lãnh đạo nữ cấp cao, bảo vệ quyền lợi của người giúp việc gia đình, ngăn chặn quấy rối tình dục tại nơi làm việc… Đặc biệt, năm 2013 đánh dấu sự kiện quan trọng khi Hiến pháp được thông qua, trong đó tiếp tục khẳng định: “Công dân nam nữ bình đẳng về mọi mặt”, và nêu rõ “Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng về giới”.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác bình đẳng giới vẫn còn những thách thức nhất định, như tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái chưa giảm và có chiều hướng diễn biến phức tạp, chỉ số chênh lệch giới tính khi sinh tiếp tục tăng và tiềm ẩn nhiều vấn đề xã hội liên quan…

Ông Arthur Erken, Quyền Điều phối viên Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, cũng nhấn mạnh: “Chúng ta không thể lùi bước trong đấu tranh vì bình đẳng giới và quyền của phụ nữ. Bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái không chỉ là một ước vọng mà còn là trách nhiệm của Chính phủ, của Liên Hợp Quốc và của tất cả chúng ta”./.