Một trong những nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư chậm triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng(ETC-Etag) là quy định không hợp lý, buộc nhà đầu tư phải giao việc điều hành trạm thu phí cho đơn vị cung cấp dịch vụ.

Lý do nữa là chủ đầu tư BOT phải bàn giao trạm và trích % cho đơn vị lắp đặt cao (từ 2-4% lợi nhuận) nên một số trạm BOT trên cả nước đã không thực hiện lắp đặt thu phí tự động không dừng, hoặc có lắp làm làn thu phí không dừng chỉ để… ngắm.

tp7_xcqc.jpg
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư chậm triển khai dịch vụ thu phí Etag là quy định không hợp lý, buộc nhà đầu tư phải giao việc điều hành trạm thu phí cho đơn vị cung cấp dịch vụ.

Với việc có thêm nhà đầu tư “thứ 2” tại các trạm BOT là nhà đầu tư thu phí không dừng được hưởng “chiết khấu” khá cao mặc dù bỏ ra số vốn không lớn như đầu tư làm đường. Bên cạnh đó, hợp đồng BOT trước không có các phụ lục hợp đồng thu phí không dừng, khiến tổng số vốn của dự án tăng lên, thời gian thu phí tăng lên... nên nhiều nhà đầu tư “ngại” thực hiện.

Nhà đầu tư BOT “tố” Bộ GTVT làm sai luật

Nhiều nhà đầu tư BOT cũng muốn triển khai nhanh lắp đặt thu phí tự động không dừng nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết và cần có sự đồng tình từ phía các ngân hàng tài trợ vốn dự án.

Đại diện một số nhà đầu tư trạm BOT cho hay, họ sẵn sàng triển khai thu phí không dừng theo chủ trương. Tuy nhiên, khi triển khai lại phát sinh vấn đề “rất đáng lo ngại”.

Theo đó, khi thực hiện, cơ quan quản lý yêu cầu tất cả các nhà đầu tư phải ký phụ lục hợp đồng với đơn vị cung cấp (công nghệ, thiết bị) thu phí không dừng để họ vào tiếp quản, rồi điều hành luôn việc thu phí.

“Hệ thống dịch vụ thu phí không dừng chỉ có giá trị khoảng chục tỷ đồng, là hạng mục phụ nhưng lại yêu cầu nhà đầu tư dự án hàng nghìn tỷ đồng phải bàn giao trạm cho họ quản lý, điều hành là rất vô lý”, đại diện một nhà đầu tư BOT nêu ý kiến.

Nhà đầu tư BOT tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ- Ninh Bình (QL1B) cho biết: Trong hợp đồng BOT của dự án không đề cập đến việc đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí được kiểm soát trạm nên việc yêu cầu các nhà đầu tư phải ký phụ lục giao trạm cho họ là không đúng chủ trương.

Cần đấu thầu công khai, không “ép” dùng công nghệ chỉ định

Liên quan đến việc một số trạm thu phí chậm triển khai lắp đặt thu phí tự động không dừng (ETC) sẽ bị tạm dừng thu từ ngày 10/7 tới đây, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ, các cơ quan Nhà nước phải giải quyết được tài sản trạm BOT thế chấp và được phía ngân hàng tài trợ vốn đồng tình.

Thu phí tự động không dừng liên tục bị chậm tiến độ. 

Tại văn bản kiến nghị gửi đến Chính phủ và các cơ quan chức năng do ông ông Đặng Văn Đại, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam khẳng định, việc triển khai ETC là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, việc này sẽ giúp các phương tiện tiết kiệm thời gian, chi phí, đặc biệt sẽ đảm bảo an ninh trật tự và tránh nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông tại khu vực các trạm thu phí.

Tuy nhiên, qua việc triển khai ETC trong thời gian qua của Tổng cục ĐBVN đối với một loạt các doanh nghiệp dự án, Hiệp hội thấy rằng, việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ ETC và yêu cầu các doanh nghiệp dự án/nhà đầu tư ký phụ lục hợp đồng BOT để điều chỉnh nội dung này (bao gồm cả việc ấn định % doanh thu phải trích lại từ doanh thu BOT cho đơn vị vận hành ETC) đang có những bất cập, những khó khăn nhất định.

Cụ thể, hợp đồng dự án đã được ký kết giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp dự án và hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp của dự án ký giữa nhà đầu tư và ngân hàng cấp tín dụng. Vì vậy, khi điều chỉnh hợp đồng dự án BOT, các bên phải thoả thuận với nhau về sự thay đổi đó để đảm bảo quyền và lợi ích của các bên trong hợp đồng cũng như tuân thủ nguyên tắc bình đẳng, thoả thuận trong giao kết hợp đồng của Bộ luật Dân sự.

Liên quan đến tài sản đang thế chấp tại ngân hàng, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong hợp đồng BOT buộc các doanh nghiệp dự án ký phụ lục hợp đồng BOT để bàn giao trạm thu phí cho đơn vị thu phí ETC quản lý vận hành sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền quản lý vận hành trạm thu phí của doanh nghiệp dự án/nhà đầu tư quy định trong hợp đồng dự án và tài sản thế chấp.

Hệ thống thu phí không dừng chỉ chục tỷ đồng, là hạng mục phụ nhưng lại yêu cầu nhà đầu tư dự án hàng nghìn tỷ phải giao trạm cho họ quản lý, điều này rất vô lý.

“Điều này đẩy doanh nghiệp dự án và nhà đầu tư vào việc vi phạm các nghĩa vụ trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp và phải gánh chịu các chế tài về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại,” lãnh đạo Hiệp hội này cho hay.

Hơn nữa, theo ông Đại, toàn bộ doanh thu chuyển vào tài khoản của ngân hàng tài trợ cho dự án BOO (xây dựng-sở hữu-kinh doanh) trước khi chuyển về tài khoản của ngân hàng cho vay dự án BOT là vi phạm nghiêm trọng các thỏa thuận hợp pháp của của hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp do tài sản hình thành từ đầu tư và quyền thu phí đã được thế chấp tại ngân hàng cho vay của dự án BOT, đồng thời gây rủi ro đối với việc quản lý dòng tiền hoàn vốn của dự án.

“Do đó, việc bàn giao toàn bộ trạm thu phí và chuyển dòng tiền từ thu phí từ ngân hàng cho vay tín dụng các dự án BOT sang bên thứ ba bất kỳ cần có ý kiến của ngân hàng tài trợ vốn cho dự án BOT,” ông Đại phân tích.

Mặt khác, phía Hiệp hội thấy rằng, cách thức triển khai ETC gây ảnh hưởng đến phương án trả nợ tại ngân hàng khi tỷ lệ trích doanh thu cho đơn vị thu phí ETC chưa có căn cứ tính cụ thể và đang tính trên tổng doanh thu của BOT mà không tách bạch doanh thu của ETC và làn thu một dừng (MTC), đồng thời việc trích doanh thu làm ảnh hưởng đến phương án tín dụng của các dự án và chưa có sự thống nhất với doanh nghiệp dự án/nhà đầu tư trước khi triển khai.

Bên cạnh đó, hợp đồng BOT trước không có các phụ lục hợp đồng thu phí không dừng, khiến tổng số vốn của dự án tăng lên, thời gian thu phí tăng lên... nên nhiều nhà đầu tư “ngại” thực hiện. Ảnh: Việt Hùng

Với chủ trương của Bộ GTVT đưa ra và cách thức triển khai trên thực tế của các dự án BOO nói chung, các doanh nghiệp đầu tư BOT còn gặp khó khăn trong việc giám sát số lượng xe qua lại trạm thu phí và giám sát đơn vị thu phí tự động nhằm đảm bảo khách quan. Điều này khiến các doanh nghiệp dự án cảm thấy chưa đủ sự tin tưởng đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí để triển khai thu phí tự động.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư BOT hoàn toàn có thể tự triển khai lắp đặt và vận hành thiết bị thu phí tự động không dừng tại trạm theo các tiêu chuẩn kỹ thuật đồng bộ do cơ quan Nhà nước ban hành.

Tuy nhiên, hiện tại toàn bộ công tác đầu tư lắp đặt thiết bị thu phí ETC đã tính trong phương án tài chính của dự án BOT và do nhà đầu tư được Bộ Giao thông Vận tải chỉ định trúng thầu lắp đặt không thông qua đám phán giá mà thông qua các "tối hậu thư" dừng thu phí để ép buộc nhà đầu tư BOT tiếp tục đàm phán là không thuân thủ theo đúng quy định pháp luật.

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nêu trên và tạo điều kiện đẩy nhanh công tác thu phí tự động không dừng, tăng cường tính công khai, minh bạch, Hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có ý kiến về việc Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu bàn giao trạm thu phí và áp đặt mức tính chi phí tổ chức thu phí không phù hợp, ảnh hưởng đến tính pháp lý và phương án tín dụng.

Hiệp hội cũng có báo cáo Chính phủ và đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư vào cuộc thanh tra quá trình tổ chức thực hiện Đề án thu phí tự động không dừng của Bộ Giao thông Vận tải...

Tránh “nhóm lợi ích” mới trong BOT

Một lý do khác làm nhiều nhà đầu tư lo ngại và chần chừ khi triển khai thu phí không dừng, là hầu hết đơn vị lắp đặt dịch vụ thu phí không dừng tại gần 30 trạm thu phí trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên chỉ có duy nhất một liên danh TASCO - VETC thực hiện. Do vậy, một số nhà đầu tư phản ánh, họ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài đơn vị này.

Đại diện Hiệp hội vận tải Hà Nội (HTA) cho rằng, việc lắp đặt, cung cấp phần mềm thu phí không dừng cho gần 30 trạm trên QL, và sắp tới là trên 40 trạm trên các tuyến đường còn lại nếu chỉ có một nhà cung cấp cần phải xem lại.

“Chưa nói đến chất lượng dịch vụ, liên quan đến lĩnh vực đầu tư, quản lý kinh tế mà chỉ lựa chọn một đơn vị cung cấp, lắp đặt dịch vụ, liệu có thực hiện đúng pháp luật?”, đại diện HTA đặt câu hỏi.

Theo đại diện HTA, sau khi dư luận đặt ra hàng loạt vấn đề trong quá trình triển khai, hoạt động các dự án BOT như “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ”, “miếng bánh ngọt”… với cách làm trên, liệu các dự án BOT có thêm “nhóm lợi ích mới” khi triển khai thu phí không dừng?

Không khẳng định sẽ có nhóm lợi mới trong các dự án BOT, nhưng ông Nguyễn Văn Quyền, nêu vấn đề: Hiện tại đơn vị lắp đặt công nghệ thu phí không dừng yêu cầu nhà đầu tư các dự án BOT phải trích từ 3 đến 4% tổng doanh thu hằng tháng cho việc thực hiện nội dung này là quá cao so với thực tế. Theo ông Quyền, mức này tương đương với mức các nhà đầu tư BOT được hưởng khi vận hành trạm thu phí.

“Đơn vị triển khai lắp đặt thiết bị thu phí bằng công nghệ, phần mềm hiện đại thì đúng ra số con người, bộ máy vận hành phải giảm và từ đó giảm chi phí. Nay đơn vị lắp đặt thiết bị lại đòi mức phí bằng hoặc cao hơn mức nhà đầu tư vận hành trạm là quá vô lý”, ông Quyền nói./.

Tổng cục Đường bộ VN vừa yêu cầu các Cục Quản lý đường bộ II, III, IV phối hợp với chính quyền địa phương, doanh nghiệp dự án của 4 dự án BOT trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 tổ chức tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ kể từ 18h ngày 10/7 cho đến khi hoàn tất việc ký phụ lục hợp đồng BOT triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng hoặc theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.Các trạm thu phí bị tạm dừng thu phí gồm: trạm thu phí Km2079 + 535 QL1 thuộc Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp (Công ty TNHH BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp); Bắc Hải Vân thuộc Dự án hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng (Công ty Cổ phần Phước Tượng Phú Gia BOT); Cam Thịnh – Km1517+ 647, Quốc lộ 1 thuộc Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1488 - Km1525 qua tỉnh Khánh Hòa (Công ty TNHH Đầu tư 194 BOT QL1 - Cam Ranh); hai trạm thu phí tại Km1610+800 và Km1667+470 thuộc Dự án mở rộng Quốc lộ 14 đoạn TP. Pleiku đến Cầu 110 (Công ty Cổ phần BOT&BT Đức Long Gia Lai.

Chỉ ra khó khăn của việc liên tục lùi tiến độ và nhà đầu tư “chây ì” ký hợp đồng, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ lý giải, các nhà đầu tư BOT thường đưa ra lý do ngân hàng tài trợ vốn không đồng ý nhưng thực ra họ đang cố tình chây ì không triển khai thu phí tự động không dừng.