Bắt đầu từ ngày 18/2, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiến hành kiểm tra việc thu phí tại trạm thu phí Dầu Giây (trên tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh- Long Thành - Dầu Giây). Việc kiểm tra nhằm làm rõ những ý kiến nghi ngờ về doanh thu của trạm thu phí Dầu Giây sau khi tại đây xảy ra vụ cướp 2 tỷ 200 triệu đồng vào ngày 7/2 vừa qua càng khiến dư luận có thêm nhiều câu hỏi liên quan đến tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng trên phạm vi toàn quốc.

thu_phi_1_bohf.gif
Trạm thu giá Tân Đệ (QL10, xã Tân Lập, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) đã được lắp đặt làn thu phí tự động không dừng. Ảnh: Báo Giao thông

Vì sao một chủ trương lớn, mang lại lợi ích nhiều bề đã được Quốc hội cho ý kiến, Thủ tướng Chính phủ đạo thực hiện nhưng tiến độ lại chậm chạp và có hiện tượng chây ỳ không muốn triển khai thực hiện? Trách nhiệm thuộc về ai?

Thu phí đường bộ tự động không dừng là công nghệ thu phí trên máy, nhằm giúp cho hoạt động thu phí minh bạch, dễ kiểm soát, giám sát công bằng, tránh thất thoát; đồng thời tiết kiệm thời gian dừng xe, in vé, tránh ùn tắc tại các trạm thu phí. Đây là công nghệ đã được áp dụng tại nhiều nước, xuất hiện ở dạng thí điểm tại một số trạm thu phí của Việt Nam từ năm 2010 và chính thức được Bộ Giao thông Vận tải khởi động dự án từ năm 2016 nhằm khắc phục những bất cập luôn làm nóng xã hội ở một lĩnh vực thuộc ngành Giao thông Vận tải mang tên trạm thu phí- BOT. 

Theo lộ trình, Chính phủ đặt ra cho Bộ Giao thông Vận tải, đến hết năm 2018, tất cả các trạm thu phí đường bộ trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh sẽ phải thực hiện thu phí tự động không dừng; đến hết năm 2019, công nghệ này sẽ được áp dụng cho tất cả các trạm còn lại. Tuy nhiên đến nay mới có 24 trong tổng số 44 trạm BOT trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đưa vào vận hành làn thu phí tự động. Cả nước hiện có gần 4 triệu ô tô nhưng chưa tới 700 nghìn xe dán thẻ trả phí tự động.

Nguyên nhân của sự chậm trễ này có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là do đa phần nhà đầu tư dự án BOT ngại và sợ minh bạch nên cố tình chây ỳ, lần lữa không muốn thực hiện. Tâm lý này là bởi lâu nay nhà đầu tư BOT được Bộ Giao thông Vận tải trao quyền chẳng khác nào ban đặc ân: tự thu phí, tự khai báo với cơ quan Nhà nước về số tiền phải đóng thuế. Lẽ dĩ nhiên, chẳng mèo nào từ chối cá.

Được cho phép “vừa đá bóng vừa thổi còi”, không ít doanh nghiệp đã sử dụng ảo thuật, phù phép thay đổi con số doanh thu phí thực để gian lận trốn thuế và kéo dài thời gian thu phí. Điển hình là vụ hàng loạt lãnh đạo Công ty Yên Khánh (trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh) bị bắt cuối năm ngoái do sử dụng phần mềm nhằm gian lận thu phí trên tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh- Trung Lương. Trước đó là vụ gian lận ở trạm thu phí Pháp Vân – Cầu Giẽ với số phí thu thực và số thu được báo cáo chênh lệch tới hàng trăm tỷ đồng mỗi ngày. Đây là số tiền của Nhà nước, do nhân dân đóng góp nhưng rốt cuộc rơi vào túi ai?

Dư luận hiện đang nghi ngờ về số doanh thu thực khủng khác xa so với con số được báo cáo của trạm thu phí Dầu Giây sau khi tại đây xảy ra vụ cướp 2 tỷ 200 triệu đồng vào ngày 7/2 vừa qua. Với sự vào cuộc của cả ngành công an, kết quả kiểm tra cụ thể sẽ được cơ quan chức năng công bố trước dư luận, nhưng không thể phủ nhận đây là minh chứng cho lý do doanh nghiệp BOT triển khai ỳ ạch, thậm chí cố tình chây ỳ không muốn triển khai hệ thống thu phí không dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Vì sao một chủ trương lớn, lợi ích nhiều bề cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và lái xe mà theo đánh giá của Viện Chiến lược Giao thông vận tải có thể tiết kiệm tới 3 nghìn 400 tỷ đồng mỗi năm lại không được thực hiện nghiêm túc khiến tiến độ chậm chạp, không hoàn thành? Với những gì đã, đang diễn ra trên thực tế không khó để có thể nhìn thấy những dấu hiệu thiếu minh bạch, lợi ích nhóm khiến nhà đầu tư tìm mọi cách để chậm triển khai. Vì lợi ích, mặc cho Quốc hội đã cho ý kiến và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt khi tuyên bố cho dừng những trạm thu phí không triển khai làn thu phí tự động, họ vẫn duy trì phương án thu phí thủ công bằng tiền mặt bất chấp việc gây bao hệ lụy cho xã hội như biến cao tốc thành “thấp tốc” khiến ùn tắc xảy ra thường xuyên, lái xe đối phó trả tiền lẻ v.v…

Chắc chắn doanh nghiệp sẽ không thể để tồn tại tình trạng này nếu như có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Bộ Giao thông Vận tải. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, hơn ai hết Bộ Giao thông Vận tải phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề này. Bởi Bộ là đơn vị được Thủ tướng giao nhiệm vụ nhưng lại chưa làm hết trách nhiệm, chưa chỉ đạo sát sao việc thực hiện, thiếu cương quyết với nhà đầu tư. Khâu kiểm tra, giám sát chủ yếu theo hình thức định kỳ, đột xuất, chưa có chế tài bắt buộc nhà đầu tư BOT phải triển khai thu phí tự động không dừng.

Để không nhờn luật, đẩy nhanh tiến độ thu phí tự động không dừng, Bộ Giao thông Vận tải phải nhìn thấy rõ trách nhiệm của mình, quyết tâm hành động quyết liệt, dứt khoát, khẩn trương làm rõ nguyên nhân vì sao các trạm BOT chưa thực hiện thu phí không dừng, làm rõ việc chần chừ, trì hoãn có xuất phát từ lý do lợi ích nhóm, lợi ích kinh tế hay không. Từ đó có biện pháp xử lý thích hợp, tránh để lại hậu quả lâu dài cho chính ngành Giao thông Vận tải và toàn xã hội./.