Theo kế hoạch, trong năm 2017, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ đạo áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng (ETC) ở hai làn tại 28 trạm thu phí trên QL 1 và QL 14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên), tuy nhiên tiến độ bị chậm khoảng một năm. 

thu_phis1_vov_mnzp.jpg
Hệ thống thu phí không dừng tại Trạm thu phí quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Bình của nhà đầu tư Tasco. 

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận triển khai áp dụng công nghệ thu phí không dừng trên QL 1 và QL 14 từ cuối năm 2015. Dự án này được chia thành hai giai đoạn, trong đó, dự kiến từ 2016 - 2019 sẽ áp dụng thu phí tự động không dừng trên một đến hai làn, sau năm 2019 sẽ áp dụng tại tất cả các làn.

Công ty cổ phần VETC được Bộ GTVT chỉ định làm nhà đầu tư với tổng mức đầu tư 1.524 tỷ đồng, theo dạng hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Nhà đầu tư được phép thu hồi vốn theo thời gian thu phí các dự án BOT.

Nhiều tuyến đường không muốn minh bạch

Cho biết lý do chậm, ông Vũ Quang Lâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VETC (TASCO) - nhà đầu tư và vận hành hệ thống ETC cho biết, đến nay công tác lập, thẩm định, phê duyệt bản vẽ thiết kế thi công và dự toán đã cơ bản hoàn thành. Hiện chỉ còn thủ tục thẩm định, phê duyệt bản vẽ thiết kế thi công đang còn chậm.

“Đến nay, đã vận hành hệ thống thu phí ETC được 5 trạm, tốc độ xe qua trạm đạt 30 km/h, hoàn thành lắp đặt thiết bị tại 3 trạm nhưng nhà đầu tư BOT chưa cho vận hành. Từ nay đến cuối năm, TASCO dự kiến mỗi tháng sẽ có 2-3 trạm đưa vào khai thác. Đến cuối năm nay sẽ hoàn thành 28 trạm”, ông Lâm nói.

Cũng theo ông Lâm, một nguyên nhân nữa khiến dự án chậm tiến độ là do lợi ích và một số nhà đầu tư BOT muốn độc quyền. Dẫn chứng tại trạm thu phí Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), TASCO đã thực hiện thu phí tự động vé tháng từ tháng 10/2016, tuy nhiên, nhà đầu tư BOT chưa cho hưởng phí vì phải chạy thử nghiệm 6 tháng.

“Gần đây, trạm này còn yêu cầu TASCO phải tắt hệ thống camera toàn cảnh và yêu cầu camera chỉ soi ở làn thu phí không dừng mà không được soi sang làn thu phí thủ công của nhà đầu tư”, ông Lâm nói và cho biết, qua quá trình làm việc, mỗi nhà đầu tư BOT có thái độ khác nhau, có nhà đầu tư yêu cầu rất nhiều “yêu sách” như tắt camera làn, không cho bán vé tháng, không cho cung cấp dịch vụ ETC.

Trạm thu phí BOT Tư Nghĩa (Quảng Ngãi)
Ngoài ra, ông Lâm cũng cho biết, trong quá trình triển khai, đàm phán dịch vụ, nhà đầu tư BOT yêu cầu giữ lại một phần chi phí thu khoảng 20-30% để phục vụ cho giám sát, hậu kiểm, khiến nguồn thu ETC thời gian qua sụt giảm. Cùng đó, TASCO phải vận hành thí điểm để chứng tỏ hiệu quả hệ thống cho nhà đầu tư BOT từ 3 - 6 tháng; Một số dự án BOT tiến độ thi công chậm, dẫn đến tổ chức thu phí hoàn vốn cho TASCO cũng chậm theo.

Sẽ xử nghiêm nhà đầu tư BOT không hợp tác

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, hiện 5 trạm đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu kiểm tra tính chính xác của hệ thống. Trong quá trình chạy thử còn một số tồn tại như: Nhận dạng, xác định xe lưu thông qua trạm, tài khoản ETC còn tiền nhưng không nhận diện được xe qua trạm… Quá trình kiểm tra, Tổng cục còn nhận thấy một số trạm thu phí nằm trong danh mục 28 trạm trên nhưng vẫn ký hợp đồng với đơn vị cung cấp thiết bị thu phí không dừng khác.“Nếu nhà đầu tư BOT hợp tác bàn giao lại toàn bộ trạm thu phí cho nhà đầu tư thu phí không dừng sẽ giảm được chi phí, không còn tình trạng một trạm thu phí có tới hai đơn vị quản lý, gây tốn kém, khó kiểm soát doanh thu. Trong danh mục 28 trạm Thủ tướng đã phê duyệt, cần có chế tài, trên cơ sở đó Tổng cục sẽ kiên quyết xử lý nhà đầu tư BOT, sẽ cho dừng thu phí nếu không hợp tác”, ông Thắng đề xuất.

Nhiều trạm thu phí BOT không muốn minh bạch việc thu phí. Nhiều trạm hiện nay đang được cho là "đặt nhầm chỗ".

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nhận định, đây là “cuộc chiến” giữa lợi ích chung và lợi ích riêng. Lợi ích chung là khi áp dụng thu phí không dừng, người dân sẽ được đi lại thuận tiện, quản lý khoa học và minh bạch trong thu phí. Lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công – tư (PPP) yêu cầu nhà đầu tư ký ngay phụ lục hợp đồng, rà soát nhà đầu tư BOT chưa triển khai công nghệ thu phí không dừng và phải có lý do cụ thể, không thể để nhà đầu tư muốn làm gì cũng được.

Trạm thu phí Tư Nghĩa có dấu hiệu vi phạm, Tổng cục ĐBVN tiến hành ngay việc giám sát thu phí, đánh giá công tác thu phí của nhà đầu tư, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nếu có sai phạm. Ngay trong tháng 2, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông phải phê duyệt công nghệ, thiết kế kỹ thuật, dự toán các trạm đã được triển khai, trước khi thực hiện các trạm còn lại, không chờ tất cả các trạm phê duyệt xong mới triển khai, từ nay đến hết quý III phải xong 20 trạm chưa thực hiện.

Ứng dụng dịch vụ ETC, xe đi qua trạm thu phí tự động không dừng chỉ mất từ ba đến năm giây, trong khi qua trạm thu phí thủ công khoảng ba phút. Theo tính toán, thu phí không dừng giúp tiết kiệm chi phí in vé giấy khoảng 70 tỷ đồng/năm; tiết kiệm nhiên liệu 233 tỷ đồng/năm; giảm thời gian tham gia giao thông 2.800 tỷ đồng/năm; tiết kiệm chi phí quản lý giao thông 360 tỷ đồng/năm, chi phí nhân lực,… Nếu tất cả các trạm thu phí ở nước ta áp dụng thu phí không dừng, sẽ tiết kiệm cho ngân sách khoảng 3.400 tỷ đồng/năm./.

Dự án thu phí tự động không dừng (ETC) được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc cho QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên theo hình thức hợp đồng BOO, có 28 trạm thu phí (không bao gồm 9 trạm do VietinBank cung cấp tín dụng), nhà đầu tư thực hiện dự án là liên doanh Công ty CP TASCO và Công ty CP VETC. Trong đó, dự kiến từ 2016 - 2019 sẽ áp dụng thu phí tự động không dừng trên 1 - 2 làn, sau năm 2019 sẽ áp dụng trên tất cả các làn.